Sách được dịch theo ấn bản thứ 16 tác phẩm đồ sộ của Gombrich, do Lưu Bích Ngọc, một du học sinh ngành Hội họa tại Cộng hòa Liên bang Đức chuyển ngữ. Ấn phẩm kể lại câu chuyện về lịch sử nghệ thuật thế giới từ cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của Gombrich về nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, kiến trúc... song hành những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, tôn giáo.
Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê, E.Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật, chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến cái nhìn bao quát về nghệ thuật thế giới, đặc biệt của châu Âu.
Như tác giả Gombrich viết trong lời tựa, ông viết sách cho những ai muốn bắt đầu khám phá thế giới nghệ thuật nên đã viết bằng ngôn ngữ giản dị, ít dùng thuật ngữ chuyên môn của giới sử học nghệ thuật.
Theo họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, Gombrich đã nỗ lực hạn chế sự "thần thánh hóa" nghệ thuật và diễn giải kiến thức cho độc giả một cách dễ hiểu nhất. Để làm được điều đó, tác giả đã sử dụng khối lượng hiểu biết đồ sộ và trình bày bằng một văn phong trong sáng mà lôi cuốn. "Cuốn sách như một sợi dây nhắc nhở rằng chúng ta cần có nền tảng kiến thức để thưởng thức nghệ thuật", họa sĩ Trịnh Lữ nhấn mạnh.
Gombrich tập hợp và in trong sách trên 400 bức ảnh chụp tranh, tượng, bích họa, công trình kiến trúc tiêu biểu trên thế giới ông từng chiêm ngưỡng, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận vẻ đẹp của tác phẩm bên cạnh phân tích của ông.
Học sĩ Vũ Đỗ, một giảng viên hội họa, nói: "Điều hấp dẫn với tôi là các tác phẩm được minh họa trong sách. Hình ảnh giúp một họa sĩ trẻ như tôi học được thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới".
Vũ Đỗ cũng như một số đồng nghiệp giảng dạy mỹ thuật cho biết sách không chỉ là tài liệu sách tham khảo cần thiết cho sinh viên mỹ thuật mà còn hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu hoặc có niềm yêu mến mỹ thuật nói riêng, nghệ thuật nói chung.
Tiên Long