Đã có nhiều phim và sách gợi nhớ về sự hủy diệt tàn khốc của quân Đức Quốc xã. Nhưng những âm mưu của Hitler nhằm cướp đoạt và phá hủy kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của châu Âu còn khá mới mẻ đối với đa số khán giả.
The Monuments Men, bộ phim mới nhất mà đạo diễn George Clooney và nhà sản xuất Grant Heslov vừa ra mắt, xoay quanh câu chuyện về sứ mệnh kỳ lạ được giao cho một nhóm nhà sử học, kiến trúc sư, họa sĩ - những người mạo hiểm cả tính mạng của mình để bảo vệ kho báu vĩ đại nhất của châu Âu và trả lại những kiệt tác nghệ thuật đó cho chủ sở hữu đích thực.
Không có những nỗ lực phi thường của những người hùng vô danh đó, hàng nghìn kiệt tác nghệ thuật vô giá chắc chắn đã bị phá hủy hoặc thất lạc khi quân đồng minh đổ bộ vào Đức trong Thế chiến II. George Clooney, Matt Damon, Cate Blanchett và Bill Murray cùng nhau góp mặt trong bộ phim này.
Những nhà hoạt động nghệ thuật của Anh và Mỹ cùng chung sứ mệnh cao cả là tìm lại hàng triệu tác phẩm nghệ thuật từng bị quân Đức quốc xã chiếm đoạt của các nhà buôn cổ vật, nhà sưu tầm, các bộ sưu tập cá nhân cũng như các bảo tàng quốc gia nơi chúng đánh chiếm. Thậm chí rất nhiều cổ vật còn bị cất giấu sâu trong các mỏ muối hay những lâu đài trên đỉnh núi ở khắp miền Nam nước Đức và Áo.
Đó là một cuộc chạy đua với thời gian vì Hitler khi ấy đã nhận thấy rõ nguy cơ thất bại. Hắn đã ban hành kế hoạch "Nero Decree", ra lệnh phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của nước Đức, bao gồm cả những kiệt tác của các danh họa Leonardo da Vinci, Raphael, Michelangelo và Vermeer… để ngăn chặn lực lượng quân đồng minh sử dụng chúng khi họ đổ bộ. Nhưng quân Đức Quốc xã đã bị ngăn chặn kịp thời khi nhóm Monuments Men phát hiện ra hàng trăm nghìn cổ vật được cất giấu tại hơn 1000 địa điểm khác nhau. Cuối cùng, nhóm Monuments Men giám sát việc trao trả lại hơn 5 triệu món cổ vật bị đánh cắp trước khi hoàn thành sứ mệnh của mình vào năm 1951.
Câu chuyện kịch tính về nỗ lực truy tìm những cổ vật bị đánh cắp được dựa trên cuốn tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Robert Edsel - The Monuments Men: Allied Heroes, Nazi Thieves, and the Greatest Treasure Hunt in History mà Grant Heslov đã mua khi ghé vào một hiệu sách. Ông kể lại: “Tôi nhìn bìa của cuốn sách rồi cầm nó lên đọc. Ngay lập tức tôi nghĩ rằng có thể dựng một bộ phim tuyệt vời. Chúng tôi luôn muốn làm một bộ phim có bối cảnh là Thế chiến II. Câu chuyện này sẽ giúp chúng tôi tiếp cận cuộc chiến ấy ở một góc độ khác, đầy phiêu lưu mạo hiểm và không giống với bất cứ điều gì mọi người từng xem trước đây”.
Trước khi tiếng súng đầu tiên nổ ra giữa quân đồng minh và Đức, các bảo tàng trên khắp châu Âu đã phải lao vào một cuộc chiến nhằm cất giấu những hiện vật trưng bày quý giá tại những khu vực an toàn ở vùng nông thôn hẻo lánh. Bảo tàng Louvre ở Paris đã phải giấu bức Mona Lisa ở khoang sau của một chiếc xe cứu thương. Còn bảo tàng Quốc gia Anh đã phải vận chuyển các hiện vật bằng tàu hỏa tới phía Bắc của xứ Wales xa xôi để cất giữ trong một mỏ đá nằm sâu dưới lòng đất.
Trong lúc đó, quân Đức Quốc xã bận rộn với việc cướp bóc và phá hủy kho tàng nghệ thuật quý giá, các cuốn sách và các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của người Do Thái. Khi đổ bộ vào Ba Lan, chúng phá hủy hoàn toàn nền văn hóa Xla-vơ của người dân Ba Lan rồi buộc họ phải chết hoặc làm nô lệ theo kế hoạch Phát xít Đức.
Nhưng Phát xít Đức không chỉ chiếm đoạt những tác phẩm nghệ thuật. 29.436 toa tầu chất đầy đồ đạc nội thất và vật dụng gia đình được vận chuyển từ Pháp về Đức. Bên cạnh đó, chúng còn cướp được khoảng 300 chiếc xe điện ở thành phố Amsterdam, 5000 quả chuông từ các giáo đường và nhà thờ cùng với vô số đồ vật khác. Nhóm Monuments Men cũng tìm thấy những đồng tiền vàng và các thỏi vàng mà ngày nay có giá trị ước tính lên tới 5 tỷ USD.
Những cuộc tấn công vào lĩnh vực văn hóa không đơn thuần chỉ mang tính ý thức hệ mà ẩn chứa trong đó là lòng tham vô đáy. Hitler luôn mong muốn sáng lập bảo tàng Führermuseum có quy mô lớn nhất thế giới ngay tại quê nhà của mình ở Linz và luôn tìm mọi cách để thu thập được các cổ vật quý giá. Hermann Göring, nhân vật có quyền lực cao thứ hai trong Đức Quốc xã vốn cũng muốn thu thập những cổ vật cho riêng bản thân mình.
Göring đã làm đúng như những gì mình muốn và còn thiết kế thêm hai khoang chở hàng cho đoàn tàu của riêng mình để chuyên chở các chiến lợi phẩm thu được. Göring cũng liên tục ghé thăm gian triển lãm Jeu de Palme nằm ngay cạnh bảo tàng Louvre - nơi lưu giữ và phân loại tất cả cổ vật được tìm thấy trên đất Pháp - để tìm được những tác phẩm tinh túy nhất.
Bộ sưu tập cá nhân của Göring còn đồ sộ hơn số lượng vật trưng bày mà National Gallery tại Washington DC đang sở hữu. Hàng trăm tác phẩm của các họa sĩ như Klee, Miró, Picasso và những người theo trường phái hiện đại khác bị coi là không có giá trị và cuối cùng cũng đã bị đem đốt thành tro trong vườn.
Nhưng gian triển lãm này cũng là trụ sở hoạt động của người được coi là “kẻ thù” của Göring - bà Rose Valland. Bà là một nữ anh hùng của phong trào kháng chiến và là nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Claire Simone do nữ diễn viên Cate Blanchett đảm nhận. Vốn được giao nhiệm vụ trông nom bảo tàng, bà đã tự nguyện trở thành một “gián điệp” để bí mật ghi chép lại thông tin về nơi các cổ vật được chuyển đi cũng như danh mục những món đồ được đưa về đây.
Khi Đức Quốc xã mất quyền kiểm soát Paris, một thành viên của Monuments Men là James Rorimer (nguyên mẫu cho nhân vật James Granger của Matt Damon trong phim) đã dựa vào những thông tin quý giá mà Claire cung cấp để thực thi nhiệm vụ.
Các thành viên Monuments Men được chiêu mộ từ các bảo tàng mỹ thuật kiến trúc, các xưởng phim, các trường đại học ở nước Mỹ và khối Liên hiệp Anh. Tính đến năm 1951, đã có tổng cộng khoảng 350 thành viên hoạt động trong tổ chức này nhưng chỉ có 7 chiến sĩ gia nhập quân ngũ trong vòng 6 tuần đầu sau ngày quân đồng minh đổ bộ. Những thành viên của nhóm Monuments Men đặt chân tới Normandy sau khóa đào tạo quân sự cơ bản tại Anh.
Đối với đồng tác giả kịch bản Heslov, động lực thúc đẩy với nhóm Monuments Men chính là nghệ thuật. Ông nói: “Nghệ thuật chính là thứ mà mọi người đều háo hức theo đuổi và là thứ mà họ luôn cố gắng bảo vệ. Điều này đặt ra một câu hỏi: Liệu có xứng đáng dùng cả tính mạng của mình để đánh đổi không? Và chúng tôi, dĩ nhiên tin rằng hoàn toàn xứng đáng”.
Cổ vật quan trọng nhất của bộ phim là bức điêu khắc Bruges Madonna. Bức tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng làm từ cẩm thạch này được coi là biểu tượng tôn giáo của nước Bỉ và là công trình điêu khắc duy nhất mà Michelangelo đưa ra khỏi Italy trong cuộc đời ông. Đêm ngày 7, 8/9/1944, ở thời điểm đội quân Monuments Men đang ráo riết bám sát, quân Đức Quốc xã đã kịp chiếm được bức tượng. Vụ việc này xảy ra hai năm sau khi chúng đã cướp được bức bích họa Ghent Altarpiece của danh họa Jan Van Eyck vốn thuộc quyền sở hữu của giáo đường Saint Bavo gần Ghent. Bức kiệt tác rộng tới 4,8m này từng bị ăn cắp 6 lần trong lịch sử tồn tại 500 năm.
Bộ phim đưa khán giả theo bước chân của nhóm Monuments Men kể từ lúc họ đặt chân lên bờ biển Omaha. Những nỗ lực của họ ngằm ngăn chặn quân đồng minh phá hủy một cách không cần thiết những công trình đã bị hư hại dần dần cũng đã có những thành công nhất định. Càng tiến sâu vào trong lãnh thổ Đức, đội quân càng thu thập thêm được nhiều manh mối về những tác phẩm đã bị đánh cắp.
Một trong số những thành viên cuối cùng của Monuments Men hiện vẫn còn sống là Harry Ettlinger. Ông chính là nguyên mẫu của nhân vật Sam Epstein trong bộ phim. Ông cảm thấy vui khi cuộc đời của chính mình được tái hiện trên màn ảnh: “Lúc đó tôi không hiểu lắm về tầm quan trọng của công việc mình làm. Tôi chỉ biết mình đang thực hiện một nhiệm vụ và mọi thứ đang tiến triển rất tốt. Thay vì lấy đi một thứ gì đó, chúng tôi mang nó trả về chỗ cũ. Thật đặc biệt phải không? Tôi đã hoàn thành một sứ mệnh quan trọng”.
The Monuments Men khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 7/3.
Trailer phim "The Monuments Men" |
|
Nguyên Minh