Nứt, vỡ tại nhiều vị trí thành cầu. Ảnh: Anh Tuấn |
Cứ 20-30 m trên mặt đường phần làn cho xe máy lại xuất hiện những đoạn lồi lõm. Lan can thành cầu bị bong tróc nhiều, từng tảng bê tông rơi ra. Ngang cầu có nhiều vết nứt rộng đến 0,5 cm.
Các chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, cho biết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của cây cầu là những vết nứt vỡ dọc phần thân và bệ móng trụ đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm, các đơn vị thi công đã gia cố 3 trụ nhưng hiện nay còn 4 trụ trong hiện trạng nứt vỡ. Trên thân trụ T2, T3, có vết nứt rộng từ 0,3 đến 0,7 mm. Tại T6, xà mũ bị rỗ, vỡ rộng từ 0,7 đến 3 mm.
Hiện mố B0 (phần gối của hai nhịp cầu) đã bị nghiêng tới 13 độ. Tình trạng của khe co giãn trên mố này cũng không tốt vì được hàn nối từ nhiều tấm, các tấm được nối không phẳng với nhau làm cho xe vào cầu không được êm thuận. Nhiều vị trí trên mặt cầu khu vực đỉnh dầm ngang nứt vỡ lớp bê tông trên phạm vi rộng.
Hư hỏng trên bề mặt cầu rất phổ biển |
Theo khảo sát của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, cầu Chương Dương hiện đã xuống cấp nặng do lưu lượng xe qua cầu lớn (24.000 ôtô và 210.000 xe máy một ngày đêm). Khi bị ùn tắc, đoàn phương tiện tham gia giao thông nếu có chiều dài tới 100 m, trọng tải 1.000 tấn dồn trên mặt cầu sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khả năng chịu lực.
Thời gian qua, Sở Giao thông công chính Hà Nội cho phép ôtô con được đi trên làn dành cho xe máy khi ùn tắc nên đã ảnh hưởng tới tải trọng hai bên cầu (theo thiết kế chỉ dành cho xe máy). Thêm vào đó, mới đây, phần đường này được lắp đặt thêm hai ống nước (đường kính 40 cm), càng làm cho cầu phải gánh thêm tải trọng lớn.
Ông Nguyễn Đỗ Hiệp, Giám đốc Ban quản lý đường bộ II, cho biết, từ đầu năm nay, đã có dự án sửa chữa cây cầu này, nhưng đều thực hiện chậm. Gói thầu 1 (bắt đầu từ tháng 3) bị chậm tiến độ bởi ảnh hưởng nước lũ. Gói thầu 2 (bắt đầu tháng 8) hiện chưa tiến hành vì phương tiện giao thông thường xuyên ùn tắc trên cầu làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Đoàn Loan