Sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày đoạn kênh Phú Lộc chảy ra vịnh Đà Nẵng, quận Thanh Khê, thu hút hàng trăm lượt người đến câu cá đối. Người dân đứng trên cầu, hoặc men theo bờ kè đá dọc đường ven biển để quăng mồi.
Ra bờ kè đá lúc gần trưa, ông Trần Văn Phong, 56 tuổi, trú Cẩm Lệ, lấy từ bao nylon ra chai nhựa màu trắng đã cắt bỏ phần cổ, khoảng giữa chai gắn miếng chì cho chìm xuống nước và nối với sợi dây cước. Nhúng chai xuống biển lấy nước, ông xúc nửa thìa bột mì cho vào chai nhựa khuấy đều.
Nới lỏng cuộn cước, ông Phong ném chai xuống biển, cách khoảng sáu mét rồi ngồi chờ. Được một phút, ông kéo chai lên, bổ sung mồi và ném xuống. Đến lần kéo thứ ba, phía trong chai có con cá đối bằng ngón chân cái. "Loài này bơi thẳng, mỗi lần dây cước giật giật là biết cá dính mồi, chúi đầu vào đít chai. Người câu chỉ cần kéo chai lên mà không lo cá thoát ra ngoài", ông giải thích.
Khoảng 15 năm trước, ông Phong xuống sông Hàn chơi, thấy một số người Trung Quốc pha bột mì vào ống nhựa, quăng xuống nước và bắt được cá đối. Tò mò ông về làm thử, có hôm bắt được 10 kg cá. Từ đó nhiều người chuyển câu cần sang chai nhựa để bắt cá đối.
Cá đối dài 12-30 cm, thân tròn dẹt, con to nhất khoảng một kg, sống ở vùng nước mặn và nước lợ cửa sông. Người dân Đà Nẵng thường ra cửa sông Hàn và các cửa kênh câu, nhiều nhất ở kênh Phú Lộc vì sóng êm. Tùy mùa, họ sẽ lựa vỏ chai vừa phải để cá không thoát ra ngoài. Nhiều thợ câu đúc rút kinh nghiệm, nước lên cá vào cửa kênh nhiều, nước ròng cá ra biển, từ đó nhìn con nước để thả mồi.
Là nhân viên ngành đường sắt nghỉ hưu, ba năm qua ông Nguyễn Ngọc Ánh, 62 tuổi, mỗi khi xong việc phụ vợ bán hàng ở chợ Tân Chính lại ra kênh Phú Lộc câu cá đối. "Cách câu này không tốn tiền mua cần, mồi dễ pha và thích nhất là sạch sẽ. Cá vào chai thì đổ thẳng vào xô, không phải chạm tay", ông nói.
Nhìn câu cá đối đơn giản, nhưng những ngày đầu ông Ánh chỉ bắt được vài ba con. "Tôi cứ nghĩ cắt vỏ chai, buộc dây rồi thả mồi là bắt được cá, nhưng không phải. Vỏ chai của mình dày quá, cá đi vào ăn hết mồi rồi thoát ra mà vẫn không biết để kéo lên", ông kể.
Sau một tháng vừa quan sát, vừa học hỏi kinh nghiệm, ông Ánh mới biết cách cầm cuộn dây cước sao cho thẳng, chai nhựa phải vừa trong, vừa mỏng để cá nhìn thấy bột mì và nếu cá đụng vào thành chai thì thợ câu cảm nhận được. Mỗi lần quăng mồi, ông Ánh thường căn 50-60 giây để kéo lên thay mồi.
"Cá đối dễ câu. Vào mùa nhiều cá, thường là tháng 8 âm lịch, cứ quăng mồi xuống là mỗi người có thể bắt được 5-6 kg. Nhưng khi cá ít thì những người có kỹ thuật mới câu được", ông Ánh nói thêm. Nhiều thợ câu bán cá đối khoảng 50.000 đồng/kg, nhưng đa số mang về ăn và tặng người thân.
Cá đối mùa tháng giêng thường chỉ to khoảng hai ngón tay. Cá nhỏ thường được chiên xù chấm mắm gừng, hoặc kho rim, kho dưa cải. Cá cũng có thể nướng chấm muối ớt.