Lần thứ nhất là năm 2021 khi chuẩn bị vào lớp một, Minh Quân được chẩn đoán ung thư bạch cầu cấp dòng lympho, phải ra Hà Nội điều trị cả năm. Lần thứ hai là tháng 6 năm 2023, bệnh tái phát khiến cậu bé tiếp tục điều trị tại bệnh viện trung ương Huế, chưa biết ngày về.
"Đợt điều trị này dự kiến kéo dài một năm. Nhưng vì tái phát nên phải dùng thuốc mạnh hơn, tùy vào tình hình sức khỏe để có phác đồ tiếp theo", chị Nguyễn Thị Đức, 48 tuổi, mẹ Quân chia sẻ.
Nguyễn Minh Quân, sinh năm 2015 là con út trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ đều là nông dân. Hai năm trước, cậu bé ở thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình liên tục sốt cao 40 độ, tay xuất hiện những vết bầm tím rồi lan rộng xuống chân. Từ viện tỉnh chuyển ra Hà Nội, các bác sĩ chẩn đoán Quân mắc bạch cầu cấp dòng Lympho, một dạng ung thư máu ác tính.
Tin Quân bị ung thư xôn xao cả làng quê nghèo, hai bên nội ngoại ai nấy đều xót xa. Mẹ cậu ngã ngồi ra ghế, tai ù đặc, run rẩy vài phút mới bấm được điện thoại báo cho chồng. Trước đó một năm, bố Quân cũng bị ung thư sàn miệng, phải cắt hết hàm răng dưới cùng 1/3 cái lưỡi.
"Lúc đó tôi vừa bối rối vừa tuyệt vọng, nghĩ mãi không biết mình đã sống thế nào mà cả chồng và con lại ra nông nỗi này", chị Đức kể.
Nhà đông con, toàn đứa đang tuổi ăn tuổi lớn nên người mẹ dặn dò cậu con cả, năm nay ngoài 20 tuổi chăm sóc các em cùng bố ốm, chị và Quân dắt díu nhau ra Hà Nội. Thời điểm đó Quân chuẩn bị vào lớp 1.
Vì Covid-19, hai mẹ con ở lại Thủ đô điều trị một năm mới được về thăm gia đình, nhưng rồi mắc kẹt tại quê nhà vì phong tỏa. Không thể điều trị ở viện, Quân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh tình ổn hơn cậu được đến trường, chậm một năm so với bạn bè cùng trang lứa. Kết thúc năm đầu tiên, cậu học sinh thấp bé nhất lớp được giấy khen xuất sắc.
Nhưng niềm vui tới trường của Quân chỉ kéo dài thời gian ngắn. Vài tháng trước khi chuẩn bị lên lớp hai, cậu lại sốt cao, mặt mũi tái nhợt. Đi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ung thư tái phát, phải lập tức nhập viện. Theo phác đồ điều trị mới, Quân đánh thuốc 6 vòng, mỗi vòng kéo dài hai tháng.
Những tuần đầu thuốc mạnh, cơ thể cậu bé 8 tuổi phản ứng dữ dội. Quân không ăn uống được, người mẩn đỏ vì dị ứng, tay chân đau đớn khó cử động, tóc rụng hết. Có thời điểm, cậu nôn khan cả ngày, cơ thể rũ như tàu lá. Từng chứng kiến bệnh tình của bố, biết mẹ vất vả nên Quân ít kêu khóc. Mỗi lần vào thuốc mệt mỏi, cậu chỉ quay mặt vào trong tường rên khẽ vì không muốn mẹ thêm lo lắng.
Đặc biệt, những lần chọc dò tủy để làm xét nghiệm tủy đồ. "Dù đau muốn chết" như Quân miêu tả nhưng chưa bao giờ cậu giãy giụa, chống đối. Cậu bé tin lời mẹ, nếu cố gắng chịu đau vài lần, ung thư sẽ được chữa khỏi. Như thế, cậu sẽ thực hiện mơ ước trở thành giáo viên dạy Toán, được đứng trên bục giảng như cô giáo của mình.
Để điều trị bệnh, Quân phải nghỉ học. Trước đó, người mẹ đã chuẩn bị lý lẽ thuyết phục vì sao không thể tiếp tục đến trường nhưng cậu bé không ngừng khóc. Nằm trên giường bệnh, Quân năn nỉ mẹ mang đến cho những cuốn sách. Mỗi khi cơn đau giảm bớt, cậu lại cố gắng lật giở từng trang vì không muốn bỏ lỡ việc học ở trường.
Thấy tinh thần ham học của cậu bé cùng một số bệnh nhi khác, Quân được các bác sĩ thực tập tại bệnh viện dạy học, tuần 4-5 buổi, bắt đầu từ tháng 9. Theo người mẹ, Quân thường được các cô chú khen sáng dạ, học đâu nhớ đó, đặc biệt là môn Toán.
Dù con trai tìm thấy niềm vui trong việc học tập nhưng nỗi sợ cậu bé không đáp ứng điều trị ám ảnh chị Đức mỗi ngày. "Mỗi lần chứng kiến bệnh nhi khác không qua khỏi, tôi lại thấy như ai đó đang bóp nghẹt trái tim mình", người mẹ nói. Mỗi đêm nhìn con ngủ, chị lại quay đi giấu hai hàng nước mắt. Chăm con ốm, sức khỏe người mẹ cũng xuống theo. Chị giảm 4 kg, mắt thâm quầng vì lo lắng và mất ngủ triền miên.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, trưởng thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa chia sẻ, gia đình chị Đức thuộc hộ nghèo đã nhiều năm. Giờ bé Quân lại mắc ung thư nên địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ, nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. "Kinh tế gia đình giờ chỉ phụ thuộc vào mỗi cậu con trai cả đi làm công nhân, nuôi bố và em ốm", trưởng thôn nói.
Khi biết bệnh tình tái phát, Quân từng nêu nguyện vọng được ở nhà, không muốn đến viện nữa. Để động viên, người mẹ ghé vào tai con thủ thỉ vì gia đình mà hãy cố gắng. Dù Quân sau đó nghe lời, kiên trì ở lại viện theo nguyện vọng của mẹ, nhưng bản thân chị Đức không biết kinh tế gia đình còn đủ sức gắng gượng thêm bao lâu.
Từ ngày con trai phát bệnh, cuộc sống vốn chật vật của gia đình lại thêm lo toan, khó khăn về bệnh tình và kinh phí điều trị. Để cứu chồng, cứu con, những gì giá trị nhất trong nhà đã bán hết, còn lại phải vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân. Đến giờ, nguồn tiền cũng sắp cạn.
"Nếu không thể gắng gượng, tôi sẽ gửi Quân nhờ ai đó trông giúp để đi phụ hồ kiếm tiền. Con trai đang nỗ lực học tập nên mẹ không có lý do gì để không tiếp tục cố gắng", chị Đức nói.
Hải Hiền
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây