Aldi, sống ở phía nam Smatra, bắt đầu hút thuốc vào năm 2011. Trước đây, hình ảnh cậu bé ngồi trong một chiếc ôtô đồ chơi, tay trái cầm vô lăng, tay phải cầm điếu thuốc, nhìn lên trời và nhả khói được đưa lên Youtube khiến cả thế giới chấn động.
Ngày 12/5, tờ Daily Shincho của Nhật Bản đưa tin Aldi, ở tuổi 16, đã bỏ thuốc thành công sau hai đợt điều trị phục hồi chức năng. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng sau khi hình ảnh Aldi hút thuốc từ thời thơ ấu lan rộng trên toàn thế giới, chính phủ Indonesia hỗ trợ cậu bỏ thuốc lá.
Aldi cũng bị ám ảnh với việc ăn uống do các triệu chứng cai nghiện để lại. Khi lên 5, cậu nặng 24 kg, nhiều hơn bình thường 6 kg. Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông địa phương, Aldi cho biết sau khi bỏ thuốc lá thì thích ăn chocolate nhiều hơn.
Ở Indonesia, Aldi không phải là trường hợp đặc biệt. Các chuyên gia ước tính có khoảng 300.000 trẻ em nước này hút thuốc mỗi ngày. Đây cũng là quốc gia tiêu thụ thuốc lá lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chính phủ Indonesia đã tăng thuế thuốc lá hầu như hàng năm kể từ 2014 để giảm tỷ lệ hút thuốc, nhưng biện pháp này không có nhiều tác dụng.
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần, ung thư thanh quản gấp 12 lần so với người bình thường. Ngoài ung thư phổi, nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột, tai biến mạch máu não và trực tràng, có nguyên nhân liên quan thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở người hút thuốc cao gấp hai lần người không hút thuốc; người nghiện thuốc có tỷ lệ chết vì ung thư gấp bốn lần so với người không hút.
Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu. Người bệnh thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoảng sợ, tránh giao tiếp xã hội, hành vi có hại với sức khỏe, khó thở khi gắng sức, mất ngủ, ngủ chập chờn và giảm quan tâm với những hoạt động thường thích thú. Họ còn mất ham muốn tình dục, rối loạn cảm xúc, giảm chức năng nhận thức.
Thục Linh (Theo MK)