Nguyễn Khôi Nguyên (21 tuổi) khiến hàng trăm khách mời xúc động khi chậm rãi trình bày ước mơ, sở thích chụp ảnh tại talkshow "Lắng nghe trẻ thơ bằng trái tim thấu hiểu" ở chùa Quán Sứ, nằm trong khuôn khổ "Việt Nam ước mong" - chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế, trực tiếp trên Fanpage VnExpress. Thay vì chạy nhảy liên tục theo bản năng, cậu ngồi yên lắng nghe các câu hỏi, thỉnh thoảng cười rạng rỡ và vẫy tay chào khán giả.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - bố Khôi Nguyên - cho biết con trai mắc chứng tự kỷ dạng tăng động giảm chú ý khi mới bảy tháng tuổi, chạy nhảy không biết mệt mỏi. Nhiều năm trước, cậu bé thậm chí không thể phát âm tròn vành rõ chữ, khó giao tiếp hay bày tỏ nỗi lòng với cha mẹ và người xung quanh. Do đó, để có thể ngồi yên một chỗ trả lời MC Phan Anh, giao lưu với khán giả và chạm đến những mốc son với xiếc, Nguyên và gia đình đã trải qua một hành trình dài đầy gian khó, thách thức.
Ông Thế Hiệp thuật lại giai đoạn đen tối khi bác sĩ báo tình trạng con. "Như mọi gia đình không may có con mắc chứng tự kỷ, vợ chồng tôi tưởng như sụp đổ, thương con đứt ruột. Chúng tôi không chấp nhận số mệnh, mà có niềm tin con sẽ trưởng thành khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, thành người có ích", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp thuật lại nhiều đêm vợ chồng ông mất ngủ vì thương, lo lắng cho con. Họ từng vái tứ phương, cầu khẩn khắp nơi, sau đó đọc sách về Phật pháp, học cách thấu hiểu và tỉnh thức. Vợ chồng họ quan niệm nếu cha mẹ nghĩ con khiếm khuyết là đồ bỏ đi, chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ không có cơ hội hòa nhập cộng đồng, sống vui khỏe. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, không buông xuôi hay bi lụy, người lớn có thể cảm nhận những điều tốt đẹp trong con và trân trọng hiện tại, cuộc sống khi ấy sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Với niềm tin ấy, ông và vợ - bà Mai Kim Phượng - đồng hành Khôi Nguyên trên mọi chặng đường, tìm mọi cách giúp con hòa nhập thế giới. Cả hai cùng bé tập đi, tập nói, kiên nhẫn trò chuyện, quan sát từng biểu cảm và lắng nghe con. Bà Mai Kim Phượng lý giải với một đứa trẻ bình thường, ở độ tuổi 15-18, cha mẹ có thể hướng nghiệp cho con. Nhưng với trẻ mắc hội chứng tự kỷ, các gia đình nên cho trẻ thử sức nhiều lĩnh vực từ sớm, từ đó tìm ra môn phù hợp với trẻ.
Biết con thích vận động, vợ chồng ông Hiệp cho thử sức nhiều môn nghệ thuật lẫn lớp học ươm mầm tài năng. Tuy nhiên, không phải phép thử nào cũng thành công. Chỉ đến khi gặp gỡ thầy Việt ở trung tâm Tâm Việt và thầy Thọ từ Liên đoàn xiếc Việt Nam, được hai thầy nhẫn nại dạy dỗ, Khôi Nguyên mới có thể khám phá, phát huy tài năng xiếc.
"Ban đầu, gia đình chỉ đi tìm kiếm phương pháp để con cải tạo thể trạng, khắc phục tình trạng tăng động giảm chú ý, chứ không nghĩ sẽ đoạt giải gì. Tuy nhiên, khi mọi người khuyên nên cho bé xác lập kỷ lục tâng bóng để truyền cảm hứng cho những trẻ có hoàn cảnh tương tự, vợ chồng tôi mới cho bé thử thách bản thân", ông Hiệp cho hay.
Theo đó, năm 2017, Khôi Nguyên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất". Một năm sau đó, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận Khôi Nguyên là "Cậu bé tự kỷ với khả năng đứng trên 3 con lăn, đầu đội chai, tung 6 bóng trong 12 phút". Tương lai, Khôi Nguyên nỗ lực tập luyện nhiều hơn nữa để trở thành người tung bóng số một thế giới.
Tại sự kiện, Khôi Nguyên trổ tài diễn xiếc theo mong muốn của khán giả. Cậu vừa đạp xe một bánh, vừa tung bóng, vòng, tiếp đó đứng trên con lăn tung bóng. Cậu bé tự kỷ khiến người xem nể phục với màn giữ thăng bằng trên 5 con lăn, tự tin tung ba quả bóng. Sau phần biểu diễn, Khôi Nguyên cho biết rất vui và hào hứng chụp ảnh kỷ niệm với khán giả. Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan ấn tượng với sự lạc quan, tài năng của Khôi Nguyên và nể phục gia đình cậu bé đã đồng hành, giúp con sống vui khỏe, có ích.
Ở phần hai chương trình, thiền sư Thích Minh Niệm trình bày pháp thoại với chủ đề "Lắng nghe trẻ thơ bằng trái tim thấu hiểu". Thầy kể câu chuyện quá trình sư tử mẹ tìm lại sư tử con thất lạc, ngỡ mình là khỉ khi lớn lên giữa bầy khỉ, rồi rút ra bài học phản ứng của mỗi đứa trẻ xuất phát từ thái độ của người lớn. Cha mẹ dù yêu thương con đến thế nào, nếu cứ mang theo quá nhiều tiêu cực, căng thẳng, thành kiến, định kiến, sẵn sàng quy chụp, phán xét, áp đặt con.... thì khó có thể đi vào chiều sâu trái tim con.
Thầy Minh Niệm cho rằng trong bất cứ liên hệ tình cảm nào, sự kiên nhẫn và năng lực tỉnh thức có vai trò quan trọng. Lắng nghe con với trái tim rộng mở, không phủ nhận, ép buộc con, cha mẹ sẽ thấu hiểu những gì đang diễn ra với con, từ đó nâng đỡ, giúp đỡ con thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. Ngoài ra, đôi khi các bậc cha mẹ phải thay đổi, sửa đổi chính mình.
Ông Minh Nhân - cố vấn và sáng lập "Việt Nam ước mong" - kỳ vọng chuỗi hoạt động diễn ra thường niên vào mỗi tháng 7 âm lịch, nhân rộng yêu thương đến nhiều trẻ yếu thế hơn nữa. Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thành - đại diện tập đoàn TH - đóng góp 500 triệu đồng quà tặng, phần nào nâng đỡ, san sẻ với trẻ yếu thế.
"Việt Nam ước mong" diễn ra bắt đầu từ ngày 22/7 tại chùa Vĩnh Nghiêm và Giác Ngộ, TP HCM, bao gồm các hoạt động: triển lãm 400 tác phẩm do các bé yếu thế sáng tác; Lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn. Ban tổ chức còn trưng bày, bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân... Toàn bộ tiền thu được hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Song song đó là các tọa đàm với chủ đề: "Nuôi dưỡng đứa trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết" (5/8); "Nghệ thuật chữa lành đứa trẻ bên trong" (14/8); "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng" (21/8), "Cần lắm bàn tay nâng đỡ dịu dàng" (26/8); "Để đứa trẻ được là chính mình" (28/8) và "Lắng nghe trẻ thơ bằng trái tim thấu hiểu" (4/9).
Thi Quân