![]() |
Bé Hòa và chai xăng luôn ở bên mình. |
Chị Voòng A Mùi (thường gọi là Mai) - mẹ của bé Hoà - cho biết cháu mắc bệnh đã nhiều năm, phải luôn có một chai xăng bên mình, vài phút hít một lần, hít rất sâu.
Gia đình chị Mai rất nghèo nên ngay từ khi lấy chồng, chị đã phải bán xăng để kiếm sống. Chị có 2 đứa con. Cháu đầu là con gái, sức khoẻ bình thường. Còn với cậu bé Hoà, khi mới sinh chỉ nặng 2 kg, phải nuôi trong lồng ấp. Nhưng sau đó Hòa cũng phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác.
Chị Mai kể: “Thực ra tôi cũng không biết chính xác cháu nghiện xăng từ lúc nào. Nhưng tôi nhớ rõ nhất là vào lúc cháu 3 tuổi khi cháu đã nói sõi thì cũng là lúc cháu đòi cầm chai xăng hít hàng ngày. Sức khoẻ cháu vẫn bình thường, duy chỉ có ăn nhiều trái cây và uống nước liên tục, nhất là sữa Ông Thọ”. Như để minh hoạ cho lời mẹ nói, thằng bé đã lợi dụng mẹ bận tiếp khách vòi vĩnh mẹ được 1.000 đồng. Vài phút sau khi quay lại, trên tay nó đã có một bịch nước ngọt. Chỉ ngồi một lát, không khí và hơi xăng trong nhà đã nồng nặc và rất khó thở.
Chị Mai còn cho biết thêm: "Năm ngoái tôi đã cho cháu đi học trường Mầm non Bình Đa - Biên Hoà nhưng tình trạng cháu như vậy khiến các cô giáo cũng rất sợ và tôi cũng không đủ tiền đóng học phí nên chỉ được 1 tháng phải cho cháu nghỉ học. Tôi chỉ mong sao chữa được bệnh cho cháu".
Do hoàn cảnh quá nghèo nên khi sinh cháu Hoà được 1 tháng, chị Mai đã phải ôm con ra lề đường bán xăng. Có những hôm nắng như đổ lửa chị phải lấy áo khoác bọc cho đứa con được mấy tháng tuổi đặt nằm vạ vật dưới gốc cây quanh chỗ bán xăng. Nhiều lúc thằng bé quấy khóc thay vì được mẹ nhét vào tay đồ chơi, người mẹ tiện tay đưa cho con chơi chai xăng. Cứ thế nó quen với hơi xăng ngay từ bé.
Tiến sĩ, bác sĩ Hộ Tống Tiễn, Phó trưởng khoa Tâm thần kinh Bệnh viện 175, cho rằng đây là trường hợp lạ, có thể là một dạng rối loạn tâm thần. Trường hợp này cần phải đưa vào bệnh viện có thời gian nghiên cứu chữa trị.
(Theo Công An Nhân Dân)