Bên dưới, hàng trăm khán giả vỗ tay không ngớt cỗ vũ bởi giọng hát trầm ấm và tình cảm của cậu bé 16 tuổi. Với những người đã biết Minh Nhật, những tràng vỗ tay đó là sự động viên, giúp em vững tin hơn với ước mơ "đi hát để kiếm tiền thay thận cho mẹ".
"Đây là con đường nhanh nhất để một đứa trẻ như em có thể kiếm tiền. Mẹ em bị suy thận từ 15 năm nay. Ước mơ của em là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mẹ ngày càng yếu. Em sợ mẹ không chờ được", Minh Nhật - thí sinh nổi tiếng từ vòng thi Giấu mặt cuộc thi "Giọng hát Việt nhí 2018", tâm sự.
Từ ngày cả gia đình rời Bình Định vào Sài Gòn, ba Minh Nhật chạy xem ôm, giao hàng nhưng vất vả cả ngày chỉ được vài trăm nghìn. Nếu em đi hát, chỉ một bài thôi có khi còn hơn cả ngày công của ba.
Ước mơ ghép thận cho mẹ của Minh Nhật bắt đầu từ năm lớp 6. Một lần có người bạn chạy thận của mẹ ở bệnh viện đến thăm nhà, cậu bé bất ngờ khi thấy người này khỏe mạnh, tự đi được xe máy, nói cười vui vẻ trong khi trước đó cũng yếu như mẹ mình. Hỏi ra mới biết, bạn của mẹ mới được ghép thận. Kể từ đó, niềm hy vọng kiếm đủ tiền chữa bệnh cho mẹ nhen nhóm trong lòng Minh Nhật.
Biết chi phí thay thận lên đến cả tỷ đồng, cậu nghĩ đến việc tham gia nhiều cuộc thi về âm nhạc với mong muốn nhận được giải thưởng. Trước khi đến với Giọng hát Việt nhí, em từng là thí sinh trong hàng chục cuộc thi về âm nhạc lớn nhỏ.
Chị Trần Thị Đức, 41 tuổi, mẹ Minh Nhật cho biết, vợ chồng chị đều là giáo viên, cả nhà không có ai hoạt động nghệ thuật nhưng con trai lại có năng khiếu ca hát. Cuối năm 2018, ba mẹ đưa em vào Sài Gòn tham dự Giọng hát Việt nhí đồng thời cũng là để khám chuyên sâu hơn cho chị. Trong hơn 3 tháng, khi Minh Nhật lần lượt vượt qua các vòng thi cũng là lúc mẹ của em trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u do biến chứng sau nhiều năm chạy thận. Nhật dừng chân trước vòng bán kết, bệnh tình mẹ trở nặng, cả gia đình quyết định ở lại Sài Gòn để điều trị lâu dài cho mẹ.
Cũng từ đây, ba của em xin nghỉ dạy học, chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Còn Nhật, ngoài giờ học ở trường, vào ban đêm và những ngày cuối tuần em không từ chối bất cứ lời mời đi hát nào để kiếm tiền phụ ba trang trải cuộc sống và có chi phí thay thận cho mẹ.
Trong những buổi diễn của mình, Nhật luôn ưu tiên chọn những ca khúc viết về mẹ. Nhưng cậu chưa bao giờ chọn hát bài Nhớ mẹ lý mồ côi.
"Tôi thường nói với con dù sao đó cũng chỉ là lời hát thôi, con đừng nghĩ lung tung nhưng nó nhất định không hát bài đó", chị Đức kể.
Bình thường, mỗi tháng Minh Nhật chỉ nhận được 2-3 lời mời đi hát vào dịp cuối tuần. Nhưng những dịp đặc biệt như Trung Thu, Tết thiếu nhi hay năm mới em đi hát thường xuyên hơn. Có hôm cao điểm, một ngày chủ nhật em phải chạy sô ba địa điểm.
Những lần sắp có bài kiểm tra trên lớp, Nhật thường thức khuya học bài. Đến tối có lịch hát, cậu bé dường như kiệt sức, tựa vào vai ba trên suốt quãng đường di chuyển. Đến nơi, những cơn hoa mắt, chóng mặt tưởng khiến Nhật tưởng chừng không thể hát nổi. "Nhưng khi bước lên sân khấu, trước sự vỗ tay của khán giả, và được hát những bài về mẹ, em không còn thấy mệt nữa", cậu nói.
Minh Nhật được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ những khóa học thanh nhạc, học nhạc cụ để trau dồi thêm sở trường ca hát. Toàn bộ những trang phục biểu diễn của em đều được tặng.
"Khi tham gia Giọng hát Việt nhí, suy nghĩ mãi con mới chịu mua một đôi giày đã giảm giá với giá hơn 800 nghìn. Đó cũng là đôi giày con luôn mang trong suốt hơn hai năm qua. Mấy tháng trước bị rách con mới chịu bỏ", anh Nguyễn Ngọc Thành, 44 tuổi, ba của Nhật kể.
Từ ngày rời bục giảng, rời quê nhà vào Sài Gòn tạo lập cuộc sống mới. Anh Thành – ba của Nhật đã quen với không gian sống nhỏ hẹp trong căn nhà hơn 20m2 ở cư xá Thanh Đa, quen với những cơn mưa bất chợt và những chiều kẹt xe. Lịch chạy thận của vợ một tuần 3 lần ở viện, cộng thêm một công việc gia sư vào buổi tối khiến anh cũng ít có thời gian hỗ trợ con. Tất cả những gì mà anh có thể làm cho cậu con trai đó là đưa đón con đến trường, đến những điểm diễn trong thành phố.
Với chị Đức, dù rất thương và muốn giúp đỡ con trai những việc lặt vặt như giặt giũ, ủi đồ nhưng chị không đủ sức khỏe để làm. Vì thế, cứ mỗi lần trước giờ diễn, cậu bé lại lăng xăng chọn đồ, đem ủi phẳng để mặc. Cậu bé cũng tự học cách trang điểm, phối đồ rồi nhờ mẹ "duyệt" giúp.
Được đứng trên sân khấu, ngoài việc thỏa đam mê ca hát thì đối với em, thù lao cũng là điều quan trọng. Nhưng đối với những lần hát cho các chương trình từ thiện Minh Nhật từ chối nhận cát xê. Cậu bé nghĩ, từ ngày vào Sài Gòn, gia đình em đã nhận được nhiều sự giúp đỡ nên, nếu có dịp được trả ơn, Minh Nhật luôn sẵn sàng.
"Tết năm nay, sau khi hát ở bệnh viện Ung Bướu em cùng mọi người lên phòng các bệnh nhi để tặng quà. Chứng kiến cảnh các em phải nằm viện lâu ngày, Tết không được về quê, em nhớ lại mẹ em cũng từng như thế. Thế nên em rất thích hát cho những chương trình thiện nguyện như thế này", cậu bé 16 tuổi kể.
Hơn 7 giờ tối, Nhật được ba đón về sau khi kết thúc buổi học nhạc cụ. Trở về căn phòng nhỏ, chú chó Bông - người bạn em mang từ quê nhà vào mừng rỡ chạy ra đón. Minh Nhật xoa đầu, cùng người bạn bốn chân ùa tới chiếc võng nơi mẹ đang nằm hôn lên má mẹ. Em kể chuyện, pha trò cho mẹ cười rồi cùng ba chuẩn bị bữa tối. Vừa đảo chảo cơm chiên thơm lừng, Minh Nhật ngân nga câu hát: "Để con gánh mẹ đừng can, Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai?" rồi ngoái nhìn mẹ mỉm cười.
"Em vẫn cố gắng học thật giỏi, học lên đại học để có một nghề nghiệp ổn định song song vẫn đi hát. Chưa bao giờ em từ bỏ ước mơ có tiền để mẹ thay thận nhưng mẹ mỗi ngày một yếu, em lo lắm. Đôi lúc đang học ở trường, nghĩ tới mẹ em bỗng giật mình", Minh Nhật trải lòng, nén thở dài.
Diệp Phan