Hình ảnh cậu bé Chu một mình chân đất đi bộ đến trường, không còn xa lạ với người ở bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Bốn năm tự đi bộ đến trường, ước mong duy nhất của em là một lần được bố mẹ chở đi học bằng xe máy như các bạn trong bản.
Mỗi ngày, Chu đi bộ hơn 3 km đường rừng đến lớp rồi về nhà, vì trường không tổ chức ăn bán trú. Chưa quen đường, những ngày đầu đến trường của cậu học sinh lớp 1 là hành trình xuống núi, qua suối, rồi men theo con đường mòn. Nhiều hôm vội, cậu bé vấp ngã ngã lộn nhào, quần áo rách toạc, chân tay xước xát rớm máu. Không khóc, em bò dậy bước tiếp, mong kịp giờ đến lớp.
Các năm trước, chuyện học sinh đi chân đất vài km đến trường, thiếu thốn quần áo không còn xa lạ với thầy cô ở Lũng Xá. Nhưng nay cả điểm trường còn mỗi mình Chu phải băng rừng đi học. "Chẳng còn cách nào vì bố mẹ em bỏ nhau và cùng bỏ đi, giờ em ấy đang ở với ông bà nội", thầy Lò Văn Ngoan, 29 tuổi, giáo viên chủ nhiệm của Chu tại điểm trường Lũng Xá - Tà Dê, trường tiểu học Lóng Luông, nói.
Chu là con trai út trong gia đình có hai chị em. Trước em là chị gái hơn bốn tuổi, nay đã nghỉ học ở nhà trông em giúp ông bà. Bảy năm trước bố mẹ Chu ly hôn, mẹ em bỏ xuống Hòa Bình làm ăn nhưng chưa lần nào liên lạc về. Trước khi đi, câu nói "mẹ sẽ về" khắc sâu trong tâm trí cậu bé 3 tuổi. Một thời gian sau bố Chu cũng xuống Hà Nội đi làm thuê, mong có tiền nuôi con.
Trong căn nhà ghép gỗ dựng tạm bợ trên nền đất ẩm thấp, ông Giàng A Lau, 48 tuổi, ông nội Chu, thở dài khi nhận nuôi sáu đứa cháu thay hai con trai. Nhà nghèo, 12 miệng ăn trông cả vào vài sào đất thuê để trồng ngô, cây ăn quả. Làm chẳng đủ ăn nên chuyện đứt bữa không hiếm.
Ông Giàng A Sở, trưởng bản Lũng Xá, cho biết nhà ông Lau là một trong những hộ khó khăn nhất bản, may mắn gia đình có tư tưởng tiến bộ, vẫn cho con cháu đi học.
Tuổi còn nhỏ, Chu đã nhận trách nhiệm trông em, đun nước, nấu cơm, quét dọn nhà cửa, cho gà ăn phụ giúp ông bà, nhưng không quên việc học. Đợi cả nhà đi ngủ em lại lấy sách vở, soi đèn pin để ôn bài, mỗi đêm. Thấy cháu chăm học, ông Lau mừng ra mặt. Ông nói phải cố gắng cho các cháu đi học, vay mượn cũng chịu, chỉ mong "đời chúng hơn đời ông, đời bố nó".
Thầy Ngoan đánh giá, Chu là cậu bé ngoan, lực học trung bình nhưng điều anh ngưỡng mộ là quyết tâm đến trường của em. Tại nhiều tỉnh vùng cao, cảnh phụ huynh muốn con ở nhà đi nương hoặc trông em, thầy cô giáo đến vận động đi học diễn ra thường xuyên, nhưng chưa bao giờ phải đến nhà ông Lau.
Ngoài giờ học chính khoá, giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức phụ đạo cho học sinh vào buổi chiều thứ ba, thứ năm. Những ngày ở lại trường, thầy Ngoan sẽ dạy thêm buổi tối cho các em học sinh tiếp thu chậm trong lớp, từ 7 giờ đến 9 giờ. Biết Chu đi học xa, thầy Ngoan thường giữ em ở lại trường cho ăn cơm, đợi tối lên lớp. Nhưng cứ tan học, cậu bé H'Mông lấy chiếc đèn pin trong cặp, xin về nhà. "Chắc em ấy ngại, sợ phiền nên toàn từ chối đề nghị ngủ lại trường của tôi", thầy Ngoan nói.
Về nhà sau hơn nửa tiếng đi bộ, nhưng sáng hôm sau em vẫn dậy sớm đến lớp. Hiếm lắm mới có ngày Chu đi học muộn, nhưng đa phần do thời tiết hoặc đường trơn khó đi.
Những ngày đầu tháng 3, Chu nói đường đến trường "êm hơn" khi được thầy cô trong trường tặng dép, quần áo và sách vở mới. "Em chẳng sợ lạnh, sợ đá làm xước chân nữa. Nay em được đi dép giống các bạn rồi", Giàng A Chu cười, khoe với thầy Ngoan.
Hỏi về ước mơ, Chu nói muốn làm giáo viên. Em muốn vận động nhiều học sinh đến trường, giúp các bạn biết chữ, rồi kiếm được tiền sửa nhà, mua xe máy để ông đưa các em đến trường. "Nhưng làm thầy giáo ở bản thôi, không xuống xã đâu, thế xa quá", cậu bé người H’Mông nói.
Quỳnh Nguyễn
Chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng - báo VnExpress mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò vùng cao có điều kiện dạy, học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.