Trong căn nhà trọ chỉ 15 m2, nằm gần cuối con hẻm nhỏ trên phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, Trần Nam Long đang kí họa nhanh ý tưởng vừa lướt qua trong đầu. Dưới đôi tay cậu bé câm điếc này, từng nét bút đen, đậm nhạt hiện dần lên hình ảnh những người mặc quần áo bảo hộ. "Chú bộ đội phun khử khuẩn này, bác sĩ đang nhảy theo nhạc này...", mẹ Long phiên dịch những lời thuyết minh ú ớ của em.
Một trong những ký họa của Long về các y bác sĩ, nhân viên phục vụ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hiếu Phùng. |
Những ngày nghỉ học ở nhà chống dịch, Long liên tục vẽ về các y bác sĩ, nhân viên phục vụ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đó là giấc ngủ tạm bợ sau những đêm thức trắng chống dịch, những bữa ăn vội sau giờ phục vụ tại khu cách ly, thậm chí là cả những điệu nhảy để các bác sĩ giải tỏa tinh thần... do cậu tự nghĩ ra.
"Thật tuyệt vời" - những bình luận Long nhận được nhiều nhất khi mẹ đăng những tấm ảnh này lên trang cá nhân. "Với một niềm tin và lạc quan, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch", chị Phùng Thị Hiếu – mẹ Nam Long ghi lời bình trên những bức tranh của con.
Cuối tháng 3/2020, thông qua cuộc đấu giá tranh ủng hộ chính phủ chống dịch Covid-19, Nam Long đã tham gia bằng bức tranh về phố cổ Hà Nội có tên "Biệt thự 39 Tô Hiến Thành". Cuối buổi, bức tranh vẽ từ màu acrylic đã được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Một nửa số tiền đó đã được gửi vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số còn lại được chị Hiếu dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương của Long vào tháng 8 tới.
"Long bị liệt cơ trong và thiếu hụt xương bẩm sinh, đã được mổ miễn phí năm 2018. Tháng 8/2020, Long sẽ mổ lần thứ 2", chị Hiếu chia sẻ.
Bức tranh ""Biệt thự 39 Tô Hiến Thành" của Long được đấu giá 25 triệu đồng. Ảnh: Hiếu Phùng. |
Mười bốn năm trước, khi chưa được một tuổi, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, Long không còn phản ứng với âm thanh xung quanh. Đi khám, bác sĩ kết luận cậu bị điếc, khắc phục được một phần nếu đeo máy trợ thính. Lên hai tuổi, Long chỉ ú ớ trong cổ họng, thích chạy trên đầu mũi chân và nằm dài dưới sàn nhà. Mỗi lần nghe tiếng mẹ ru, cậu bé chỉ cười khành khạch, nằm trên giường vật vã rất lâu mới chìm vào giấc ngủ.
Thấy con không bình thường, chị Hiếu đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cậu bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng. Lời khuyên "đẻ thêm đứa nữa đi, thằng bé này ăn thua gì", khiến người mẹ khóc lặng.
Thấy Long không có những phản ứng thái quá như giận dữ vô cớ hay thích tấn công, đập phá... người nhà không tin cậu bé bị tự kỷ. Nhưng thấy con đi lại trong phòng, tay chân khua khoắng và nói những câu vô nghĩa, chị Hiếu phải chấp nhận sự thật: con mình thuộc nhóm trẻ cần hỗ trợ.
Để con được đi học, người mẹ gửi Long vào trường dành cho trẻ câm điếc ở quận Thanh Xuân. Bản thân chị xin nghỉ việc tại nhà hàng gắn bó hàng chục năm để giúp việc theo giờ. Nghề mới tuy bấp bênh, thu nhập thất thường nhưng bù lại chị có thể đưa Long tới trường và dạy con học vào buổi tối. Để học cùng con, chị Hiếu mua các thẻ chữ, đồ chơi về, dù ban đầu cậu bé không hề tương tác.
Sau bữa cơm tối, ngày nào Long cũng được dạy cách hút hết một hộp sữa hay thổi những cuộn giấy mỏng vo tròn để trên bàn. Cậu bé 2 tuổi thường xuyên được mẹ bế trên tay ‘nói chuyện’ với chiếc gương. "Chào Long, tớ là gương này, rất vui được nói chuyện với bạn", buổi học được bắt đầu bằng câu nói của mẹ. Cần mẫn như vậy, sau gần một năm, Long đã biết nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện, biết cười khi mẹ trêu đùa.
Lên 3 tuổi, thấy Long nguệch ngoạc những hình khối trên bảng, cô giáo khuyên cho con đi học vẽ. "Nghệ thuật là thứ viển vông, không phục vụ gì cuộc sống sau này", người mẹ lo chạy ăn từng bữa nghĩ rồi tặc lưỡi cho qua.
Trên đường đi học, ngang qua các tòa nhà, về cậu bé phác họa lại đúng những gì ghi nhớ trong đầu. Thương con, cuối tuần được nghỉ, chị Hiếu lại đưa Long đi vẽ ngoại cảnh. Ngoài đường gặp khung cảnh đẹp chị cũng chụp lại cho con làm mẫu.
Tháng 10/2016, khi kinh tế tạm ổn, Long được mẹ đưa đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Bố cậu mất đột ngột vì tai nạn giao thông, gánh nặng kinh tế và chăm sóc 2 con nhỏ đè nặng lên vai chị Hiếu, năm đó người phụ nữ này vừa bước vào tuổi 35.
Sau ngày chồng mất, nhiều người khuyên đưa Long vào trung tâm bảo trợ xã hội bởi không tin chị nuôi nổi hai con "Một đứa tàn tật, đầu óc lại không được bình thường thì làm nổi cái gì", người ta nói đến tai chị. "Về quê, không đi học đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho cuộc đời Long", chị Hiếu khẳng khái.
Không có tiền, Long cũng nghỉ lớp vẽ mới học được một buổi. Hàng ngày học văn hóa về, cậu đều đứng trước cửa hỏi mẹ: "Hôm nay đi học vẽ không?". Nhìn khuôn mặt háo hức, chờ đợi của con, chị Hiếu bật khóc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, một ngày cuối tuần, chị dắt con ra bến xe bus, bắt xe đến trung tâm mỹ thuật. Hôm đó vừa tròn 4 tháng sau ngày chồng mất.
Tháng 11/2016, cô giáo cũ gọi điện thông báo về cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em". Chị Hiếu gửi hai bức tranh đến cuộc thi. Bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long sau đó giành giải đặc biệt và được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Một thành viên ban giám khảo nhận xét "Tư duy của cậu bé này không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành", đồng thời nhận dạy miễn phí cho Long.
Long luôn thể hiện tình cảm với mẹ bằng cách nói "Long yêu mẹ nhiều lắm". Câu nói này được cậu lặp lại hàng ngày. Ảnh: Hiếu Phùng. |
Trong 7 tháng liên tục, tuần 4-5 buổi, cứ chiều đến chị Hiếu lại chở con trai đến xưởng học vẽ của thầy. Lần đầu được biết đến toan và cọ, cậu bé 11 tuổi như được trở về thế giới của riêng mình. Thay vì dùng bút để căn tỷ lệ thì Long hoàn toàn tưởng tượng. Cậu thường dùng bàn tay vẩy khắp mặt toan rồi mới đặt bút ."Đó là con đang sắp đặt mọi hình ảnh trên khung hình trước khi vẽ", chị Hiếu nói và cho biết Long chưa bỏ bất kỳ buổi học nào của thầy, dù mưa hay nắng.
Học được 2 tháng, một lần Long đề nghị vẽ chân dung mẹ. Sau 3-4 ngày, bức tranh về người phụ nữ với gương mặt đượm buồn, rõ nét đến cả vết chân chim trên khóe mắt khiến chị Hiếu bật khóc. Thấy phản ứng của mẹ, Long luống cuống, sà vào ôm riết rồi hỏi dồn "Mẹ ơi đừng buồn. Long yêu mẹ nhiều lắm". Tiếng nói ngọng nghịu kèm cử chỉ lóng ngóng của cậu con trai mang tâm hồn trẻ thơ khiến nước mắt chị Hiếu liên tục chảy ra. "Sau này Long sẽ vẽ thật nhiều tranh, kiếm thật nhiều tiền mua nhà cho mẹ", Long dùng ngôn ngữ kí hiệu rồi vuốt nước mắt cho mẹ.
Từ khi con trai bước vào hội họa chuyên nghiệp, chị Hiếu tích cực tham gia vào các hội nhóm mỹ thuật để Long được học hỏi thêm. Hiện cậu bé 15 tuổi đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng. Năm 2018, tranh của Long được nhóm chọn để gửi dự thi và giành được một vị trí trong triển lãm "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".
Hơn 3 năm kể từ khi được học vẽ chuyên nghiệp, căn gác xép ngoài chiếc giường nhỏ, còn lại được lấp đầy bởi những bức tranh của Nam Long. Cậu vẽ tất cả những gì mình nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày như góc phố cổ Hà Nội, người phụ nữ bán hàng rong hay cả chiếc loa phường với dây điện chằng chịt xung quanh...
Dù là cảnh hay người, tĩnh vật hay cuộc sống nhộn nhịp, tranh của Long vẫn lấp lánh sự vui tươi, sống động như tâm hồn cậu trai 15 tuổi.
Hải Hiền