Simba, 11 tuổi, ở sống Đại Lý, tỉnh Vân Nam, là con đầu của anh Lao Ji (tên thật là Xu Chenghua) và chị Xiao Zhu. Bố mẹ cậu đều sinh ra trong những gia đình bình thường ở Trung Quốc. Anh Xu là huấn luyện viên chèo thuyền kayak, viết sách, đạo diễn, còn vợ từng là một kỹ sư. Họ nên duyên nhờ đam mê du lịch.
Khi có Simba, cặp vợ chồng đau đầu về cách nuôi dạy con, bởi có rất nhiều có quan điểm khác nhau và họ không biết cái nào đúng, cái nào sai. "Cả tôi và vợ đều là dân du lịch giàu kinh nghiệm. Nền giáo dục tốt nhất có thể mang lại cho Simba tất nhiên là giáo dục ngoài trời và trong tự nhiên", anh Xu, người từng đặt chân lên 50 quốc gia, nói.
Ngay khi Simba còn nhỏ, anh Xu và vợ đã cho con đi khắp nơi. Tháng 8/2014, khi cả nhà đang ở Philippines, Simba chỉ vào một tấm hình và hỏi bố: "Bố ơi, con gì đây ạ?". Người cha nói: "Đó là gấu Bắc Cực, nó ở một nơi rất xa". Cậu bé cứ nằng nặc đòi đi xem.
Bất chấp phản đối của hai bên gia đình, vợ chồng anh Xu kiên định quan điểm "Cho con nhìn ngắm thế giới trước khi con có nhận thức độc lập". Sau ba tháng chuẩn bị, đầu tháng 11 năm đó, Simba ngồi trên chiếc motor ba bánh cùng bố mẹ lên đường đến Bắc Cực trong 185 ngày. Khi 5 tuổi, cậu bé tiếp tục cùng bố mẹ dành 146 ngày vượt Nam Mỹ đến Nam Cực và trở thành người trẻ nhất Trung Quốc đặt chân tới đây.
Trên đường đi, Simba đã trải nghiệm những điều gần như không có trong sách giáo khoa: đi cà kheo đánh bắt cá mà không cần mồi ở Sri Lanka, đi khinh khí cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngắm những đám mây UFO hiếm gặp ở Nam Cực, câu cá piranha ở Amazon (loài cá răng dao rất hung dữ), ăn tôm hùm ở quần đảo Galapagos, đu xích đu cao nhất thế giới ở Ecuador...
Khi ở Nam Cực, Simba nghe các nhà khoa học nói có một số tàu đến săn cá voi trái phép. Cậu bé tức giận đến nỗi trong hai ngày cuối cùng trước lúc rời khỏi đây vẫn tiếp tục vẽ chim cánh cụt, voi và hươu sao. Chưa biết chữ nên cậu nhờ bố viết dòng chữ "Động vật hoang dã là bạn của chúng ta". Trong gió lạnh Nam Cực, Simba giơ bức tranh của mình lên và nói đi nói lại trước máy quay thông điệp này. Giờ đây, cậu bé là tình nguyện viên nhỏ nhất ở Trung Quốc cho Hiệp hội Bảo vệ Động vật thế giới.
Sau ba năm trên hành trình, gia đình đã tiêu tổng cộng 900.000 tệ (khoảng 3 tỷ đồng). Trở lại Trung Quốc, họ chỉ còn 300.000 tệ tiết kiệm, không phải là giàu có nhưng nếu giảm chi tiêu cũng đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày. Cả nhà chuyển đến Hồ Ngàn đảo ở Hàng Châu, nơi có núi, hồ và hơn 1.000 hòn đảo. Đó là một môi trường tự nhiên mà cả nhà đều thích. Simba đi học lớp 1 và vẫn được dành nhiều thời gian với thiên nhiên. Khi không đi học, cả nhà thường sẽ đi chèo thuyền.
Khi Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh Xu xác định dịch có thể sẽ không sớm kết thúc, vì vậy gia đình đã lái xe từ Hàng Châu đến Đại Lý và quyết định định cư ở đó. Đây là nơi có khung cảnh thơ mộng. Trong ba năm xảy ra dịch bệnh, Simba chưa bao giờ phải học trực tuyến, cũng như không phải cách ly. Cậu bé được vui vẻ đến trường và có nhiều chỗ để chơi cuối tuần như đi bè, cưỡi ngựa, chèo thuyền, leo núi, học kịch...
Với sở thích xem phim tài liệu địa lý, một lần khi 8 tuổi Simba chợt nảy ra ý định đi xem cực thứ ba của thế giới - cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng. Trước khi lên đường, cậu bé đã viết hàng tá ước mơ vào sổ tay, chẳng hạn như leo núi, đi bè, cưỡi ngựa, chụp ảnh báo tuyết, đua ngựa với trẻ em Tây Tạng và săn tìm một số loại đá quý...
Hành trình này chỉ có hai bố con. Anh Xu chở con bằng ôtô suốt 8.700 km, đi rất nhiều nơi ở Tây Tạng, Thanh Hải, Vân Nam, Tứ Xuyên, leo lên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng và thả trôi trên những con sông lớn.
Xem thêm ảnh:
Simba giống như một cục pin, luôn cần nhiều hoạt động khác nhau hàng ngày để xả bớt nếu không sẽ quấy bố. Vì đã leo rất nhiều núi, cậu bé luôn muốn thử thách một ngọn núi tuyết phủ lớn hơn. Điểm dừng chân đầu tiên, hai cha con đến Shangri-La, Vân Nam, nơi có tên là Núi tuyết Cáp Ba, cao 5.396 m trên mực nước biển. Đối với một đứa trẻ 8 tuổi, leo núi tuyết quả thực rất khó khăn.
Đó là một ngày thời tiết rất xấu, mưa và sương mù dày đặc. Cậu bé bò trong tình trạng khó thở và cạn kiệt sức lực. Có một thời điểm Simba không thể di chuyển được nữa. Cậu bé khóc rồi hỏi bố: "Bố, nếu con không thể trèo lên thì có phải không thể quay video từ trên đỉnh núi cho mẹ và em gái xem?".
Anh Xu mở điện thoại gọi về cho vợ. Sau "cuộc họp thượng đỉnh", người cha nói: "Nếu con mệt, chúng ta có thể xuống núi và quay lại lần sau". Nhưng Simba ngước nhìn ngọn núi tuyết, chỉ tay: "Con muốn leo tiếp".
Nhìn thấy quyết tâm của con, anh Xu thực sự cảm động. Simba từng bước chinh phục ngọn núi. Lên tới đỉnh, cậu bé nhìn thấy cảnh tượng huy hoàng. Mặt trời chiếu vàng rực lên ngọn núi tuyết trắng xóa. Cậu bé trầm trồ và cứ thế ngẩn ngơ nhìn ngắm.
Khi Simba càng lớn, người cha càng cảm thấy khả năng giáo dục của mình không đủ. Vì vậy anh mong rằng sẽ có những người "có tâm có tầm" hơn dìu dắt con về mặt tinh thần và hành vi. Trên đường đi, cậu bé đã gặp rất nhiều người thầy xuất chúng.
Wang Bing, một nhà thám hiểm sông, người đã chèo hơn 4.000 km từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Hoàng Hà. Ông cũng đã chèo thuyền khám phá 80 con sông ở Trung Quốc và là chuyên gia bảo vệ môi trường sinh thái. Simba được tham gia một hành trình cùng ông. Khi họ xuôi dòng, Simba đã chiến đấu với những con sóng lớn và thậm chí bị lật úp. Sau lần đó, cậu nói: "Bố, con nghĩ dũng cảm không phải là không sợ, mà là sợ những vẫn tiếp tục làm".
Người thầy khác là Xi Zhinong, một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nổi tiếng ở Trung Quốc với gần 40 năm chụp ảnh thực địa. Ông đã chụp khỉ vàng Vân Nam, linh dương Tây Tạng và những năm gần đây chụp báo tuyết ở Thanh Hải. Ông đã dạy Simba chụp ảnh các loài động vật hoang dã để cậu bé có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự đa dạng của cuộc sống.
Simba khắc ghi lời dạy của thầy: "Ở Trung Quốc ngày nay, sẽ không có ai chết đói vì không thể ăn thịt động vật hoang dã, và không ai chết cóng vì không mặc lông động vật. Vì vậy chúng tôi không có lý do gì để làm tổn thương động vật hoang dã". Cậu đã đi nhiều nơi trên thế giới và nhìn thấy những loài động vật hoang dã, vì vậy, một trong những điều Simba luôn muốn làm là chụp ảnh các loài động vật hoang dã để mọi người bảo vệ chúng.
Cách dạy con của vợ chồng anh Xu dậy sóng mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng nhiều người phản đối. Họ cho rằng đó là những chuyến phiêu lưu, mạo hiểm. Song, anh Xu nghĩ những gì gia đình đang làm là khám phá, không phải phiêu lưu. Bởi khám phá là quá trình chuẩn bị kỹ càng, khoa học.
Ví dụ, trong lần đi bè, Simba đã học chèo thuyền và bơi lội từ khi lên 5 tuổi, cũng như đã trải qua rất nhiều khóa huấn luyện chèo thuyền. Cậu bé lướt một mình qua thác dữ, bố và những người khác đi cách 20 - 30 mét để có thể kịp thời cứu hộ bất cứ lúc nào. Ngay cả khi thuyền bị lật, họ vẫn có thể kéo cậu bé lên nhanh nhất có thể.
Leo núi cũng là một quá trình từng bước mà Simba đã rèn luyện trong suốt tuổi thơ từ 2.000 mét lên đến 5.000 mét. Vì thế, hành trình đến cực thứ ba chỉ là một sự xác minh cho những kỹ năng Simba đã được học.
Simba hiện 11 tuổi đã nhìn ngắm hầu như khắp thế giới và cũng có vô số ước mơ. Trên tất cả, ước mơ trở thành nhiếp ảnh gia theo cậu bền bỉ nhất bởi có thể rong chơi và chụp ảnh khắp nơi. "Nếu con có một ước mơ, hãy theo đuổi nó và nếu con không chết, đừng dừng lại", cậu bé khắc ghi lời dạy của bố.
Video chinh phục ba cực của Simba:
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)