Chúng tôi sống ở một quận trước kia vẫn là ngoại ô thành phố Hà Nội. Mặc dù nhà chỉ cách hồ Cụ Rùa có năm bảy cây số nhưng chúng tôi chỉ mon chân đi dạo quanh hồ một lần mỗi năm khi Tết ngấp nghé bên thềm.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là những bông pháo hoa sẽ bay lên để toả sáng đêm 30, khoe muôn sắc màu trên mặt hồ mênh mông. Bố con chúng tôi dắt tay nhau lang thang dạo một vòng quanh hồ. Cảm giác thanh thản ngập tràn.
Thỉnh thoảng hai cha con dừng chân chụp những bức ảnh tự sướng, ngắm hoa, ngắm mặt hồ xanh tưởng như đáy hồ nằm dưới sâu hàng trăm mét. Một vài cậu bé bán bưu thiếp và sách hướng dẫn du lịch mời chào tôi: "Chú mua bưu thiếp, sách du lịch, kẹo cao su đi chú ơi". "Không. Cảm ơn cháu", tôi trả lời.
Cậu con trai tôi nhỉnh hơn bốn tuổi, dù thân hình còn bé nhưng luôn quan sát thế giới xung quanh. Không biết nó có ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra quanh hồ mà nó chỉ thưởng thức vài giờ trong 365 ngày dài của năm. Nó luôn miệng hỏi tôi những câu hỏi của trẻ thơ, rất đời thường: "Bưu thiếp là gì hả bố?", "Ăn kẹo cao su có bị hỏng răng không bố?" (Mặc dù nó đã ăn bao nhiêu kẹo cao su rồi).
Bất chợt chúng tôi gặp một bà lão ăn xin, bà lão nói: "Con cho bà xin vài đồng đi con". "Không có đâu bà ơi", tôi đáp. Chúng tôi tiếp tục dạo bước. Gần đến cây cổ thụ có chín gốc bám chặt vào bờ hồ tưởng chừng như một cơn gió mạnh sẽ hất đổ ào cả chín thân cây xuống hồ. Một bà lão khác ngồi trên ghế đá tay cầm chiếc nón rách, tay kia chìa xin khi bố con tôi đi qua: "Con cho bà xin mấy đồng ăn tối". "Xin lỗi. Không có đâu bà ơi", tôi vẫn trả lời thờ ơ. Thế là hai bố con lại dắt tay nhau đi tiếp.
Cậu bé con vừa bước theo nhịp bàn tay kéo của tôi vừa ngoảnh mặt lại nhìn bà lão xin tiền vẫn ngồi trên ghế đá. Rồi bất chợt con kéo tay tôi và nói: "Bố ơi, cho bà ấy tiền để bà ăn tối đi". Tim tôi thắt lại, nhìn ánh mắt thằng bé vừa qua 4 tuổi, lúc ấy tôi thực sự bị mất hướng.
Tôi rút ví lấy tiền đưa con: "Đây, con ra biếu bà tiền ăn tối". Phải chăng tôi không còn đủ can đảm để đưa đồng tiền biếu bà lão ăn xin? Phải chăng tôi đã tự đặt bao câu hỏi khi bà lão ngửa tay xin ta tiền? Phải chăng tôi đã sống đủ để thờ ơ trước một lời xin một bữa tối của cụ già cô đơn trên ghế đá bên hồ? Phải chăng những định kiến muôn hình, muôn vẻ về những kẻ ăn mày, ăn xin mà miệng đời truyền kể đã làm tim chúng ta luôn thờ ơ?
Cậu con trai tôi cầm hai tờ tiền giấy một mình quay lại đưa bà già ăn xin vẫn chìa nón ngồi trên ghế đá. Tôi đứng cách đó chừng hai mét nhìn khuôn mặt tươi cười của bà. Bà lão chìa cả hai tay nhận tiền của cậu bé. Hai bàn tay già nua của bà ôm chặt hay bàn tay nhỏ xíu của con tôi.
Bà chỉ nhìn vào nó mà không để ý đến tôi, không cần nghe những bước chân của bao kẻ qua đường. Tôi không thể nghe thấy những gì con trai tôi nói với bà. Tôi ù tai, nhoè mắt. Sau đó, chúng tôi lại bước tiếp. Hình như tôi vừa nghi được một hình ảnh đẹp vô cùng nhưng hình như cũng vừa giấu vào lòng nỗi ân hận mà kẻ tha thứ sẽ là cậu con trai bé bỏng của tôi. Một giây phút lãng quên ý nghĩa của từ bao dung.
"Con nói gì với bà?", tôi hỏi. "Con nói bà cầm tiền ăn tối". "Con có muốn quay lại chụp ảnh với bà không?". "Không ạ", con tôi nói. Tôi bị rơi vào hụt hẫng. Tôi chỉ "biếu" bà một bữa tối xuất 10.000 đồng. Cậu bé 4 tuổi làm sao biết được hai tờ tiền giấy năm nghìn đồng nó vừa "biếu" bà sao đủ được bữa tối? Đối với nó hai tờ tiền giấy kia là bữa ăn tối ngày hôm nay của bà lão ăn xin. Thằng bé giờ đã nhìn thẳng phía trước, bước đi. Chắc nó vui vì vừa tặng bà lão ăn xin tiền ăn bữa tối. Liệu bà lão ăn xin có lưu hình ảnh cậu bé, bé lắm mà bà đã gặp trong ngày?
Mười nghìn không đủ bát cơm rau nhưng chắc bà còn hy vọng đời còn có những người như cậu bé. Còn tôi? Tôi là ai? Trong tim tôi nhảy múa một hình ảnh tự tạo. Một vòng tay âu yếm của bà lão ôm chặt lấy cậu con trai bé bỏng. Một câu nói êm dịu, ấm lòng mà sao vang như sét đánh: "Bà cầm tiền ăn tối đi!". Tôi ngồi một mình ghi chậm những hình ảnh của cậu con trai. Nhấm nháp một cốc cà phê sữa ngọt. Đắng.
>> Xem thêm: Một ngàn đồng và người phụ nữ ăn xin đầy lòng "tự trọng"
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.