Ba tháng nay, gia đình nhiếp ảnh gia Hai LeCao (Lê Cao Hải, 37 tuổi) tránh dịch ở Hải Phòng. Do có thể đi lại trong thành phố mà không bị hạn chế, anh Hải chọn hang thủng làm điểm trekking đầu tiên cho cậu con trai gần 2 tuổi. Hang thủng (tên địa phương là hang Tùng Sét) nằm tại Tùng Sét, xã Gia Luận, phía bắc đảo Cát Bà. Ở đây chưa khai thác du lịch nên ít người biết tới và còn rất hoang sơ. Từ trung tâm Cát Hải tới Gia Luận khoảng 16 km, du khách gửi xe ở khu vực làm vườn của người dân Tùng Sét, sau đó đi theo con đường bê tông vào khoảng 700 m đến chân hang.
Anh Hải chọn nơi đây là điểm khởi đầu cho hành trình trekking của con trai vì có đủ địa hình từ đường đất, rừng với đất trơn, đá tảng, đặc biệt là hang động, để gia tăng sự hấp dẫn cho con. Theo đo đạc của nhóm hướng dẫn viên địa phương, hang ở độ cao khoảng 80 m so với mặt nước biển. Điểm đầu của hang đến điểm cuối của hang thủng chếch khoảng 40 độ. Trần hang cao nhất khoảng 20 m, chỗ rộng nhất của hang là 12 m. Đoạn đường từ chân dốc lên tới miệng hang leo mất khoảng 30 phút (20 phút với người lớn), vừa với sức khỏe và khả năng tự chinh phục của con.
Anh Hải mang theo một ba lô nước uống, thuốc chống côn trùng và không thể thiếu bình sữa của con. Còn Táo (tên thật Đức Mạnh) mặc quần áo dài, đi giày, đầu đội mũ để sẵn sàng lên đường.
Đoạn đường đầu tiên, hai bố con cùng 4 người bạn đồng hành băng qua đường đất với những vườn sắn của người dân. Để tránh cây chọc vào mắt, họ phải vừa đi vừa cúi thấp. Tiếp sau đó là đường đất ẩm ướt, trơn trượt vì những cơn mưa cuối của mùa. Càng lên cao, họ càng gặp nhiều đá tảng to, một vài đoạn đường có đá tai mèo khá sắc.
Dù vậy, anh Hải cho biết muốn con được tự cảm nhận độ trơn của đất, độ chắc hay mủn của cây cối và cả cứng sắc của đất đá, vì thế đến 70% hành trình con phải tự di chuyển, đôi khi là đi, leo trèo và cả bò trên đá. Những đoạn đường nào quá sức hoặc nguy hiểm, anh sẽ hỗ trợ và bế con.
Cả quá trình leo hầu như họ không phải dừng nghỉ. Vì quãng đường không quá dài nên hai bố con tập trung leo tới hang để tránh sự lười biếng, chán nản của con. Anh Hải chia sẻ, là người luôn sát bên con, nên anh biết Táo rất người lớn và nghe lời khi ở cạnh bố nhưng anh vẫn rất ngạc nhiên vì sự quyết tâm và cố gắng của con trong hành trình. Có những lần con ngã dốc cũng tự đứng dậy mà không kêu la.
"Nhiều đoạn đường mình nghĩ cu cậu sẽ nũng nịu hay đầu hàng nhưng không, cậu thể hiện sự quyết tâm qua tiếng 'Hây a. Ẹ ẹ', rồi bước tiếp. Là người bố, được cùng con leo núi, nhìn ngắm con nỗ lực thực sự rất tự hào", anh Hải cười và nói. Những lời cổ vũ tinh thần, sự hướng dẫn của bố luôn là động lực giúp Táo thêm tự tin, hào hứng và quyết tâm.
Cứ thế vừa leo vừa dạy, hai bố con cũng đến được miệng hang. Đến đây, Táo bắt đầu vận dụng những bài học bò, trườn, bám vách trong tiếng reo hò không ngớt. Khuôn mặt cậu không còn nét căng thẳng lúc bắt đầu, thay vào đó là vẻ tự hào lắm. "Có lẽ, cu cậu cảm nhận được sự hân hoan khi tới đích của những người lớn xung quanh và nhận ra mình vừa làm được một việc đáng mặt anh hào thì phải", anh Hải kể.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên địa phương cũng là bạn đồng hành cùng bố con Táo trong hành trình, cho biết rất bất ngờ trước cậu bé chưa đầy 2 tuổi này. Vì cậu không khóc hay quấy dù có vài nốt muỗi đốt trên trán, đường đi xa và mệt. Lúc nào cậu cũng tỏ ra mình không thua bố và mọi người. Khi đến đích còn giơ tay ăn mừng "yê yee" như người lớn.
"Điều mình bất ngờ hơn là cách anh Hải dạy cháu. Mỗi khi Táo gặp điểm khó như đá cản ngay đường đi, hay những cái cây sà thấp ven đường, anh dạy cháu cách để chân, bám vào từng phiến đá, thân cây để lấy lực vượt qua nó. "Con đặt chân ở đây nhé, cố lên con" là câu anh luôn nói trong hành trình. Mình cũng có 2 con đã 3 tuổi và đưa cháu đi đây đó nhưng không tránh khỏi sự lo lắng, sợ sệt", anh Tuấn nói.
Là nhiếp ảnh gia tự do yêu thiên nhiên hoang dã cùng nhiều năm rèn luyện các bộ môn thể thao mạo hiểm, anh Hải nhận thấy những giá trị tích cực mà đam mê mang lại. Vì vậy anh luôn tâm niệm hướng con đến với thiên nhiên sớm. Với anh, điều này có thể giúp con phát triển đầy đủ các kỹ năng và hiểu được những giá trị tích cực mà thiên nhiên đang dành tặng cho con người. Ngoài ra, hệ động thực vật, côn trùng phong phú sẽ giúp con tăng tin thần học hỏi. Hơn thế, anh Hải cũng mong con được học từ trực quan hay vì nhìn ngắm thiên nhiên qua TV, sách vở.
Trước khi đưa con đi trekking, anh đã cùng con chuẩn bị về sức khỏe, kỹ năng. Từ khi mới biết đi, Táo đã được rèn luyện trên những đoạn đường 100-200 m, dần dà lên cả km. Ngoài ra, anh cũng cho con tập những bài thể dục như giữ thăng bằng, leo cầu thang, chống đẩy và các môn thể thao boxing, đá bóng...
Những ngày ở Hải Phòng, anh cũng đưa con đi thăm vùng núi hoang sơ, biển của Cát Bà để con quen dần với điều kiện thời tiết. Trong những buổi tập cũng không thiếu lúc con kêu mệt, đòi bế nhưng anh Hải luôn động viên con "đã đi thì phải tự về". Hay có lần con mếu máo, anh dặn "Nếu đau, mệt, con hãy hét thật to lên giống như như bố này, rồi hét 'Hây ya' làm mẫu. Đây cũng là những âm thanh anh nghe được khi con chinh phục hang thủng.
Nhiều người cho rằng việc đưa con đi trải nghiệm như vậy là sớm và có thể gây nguy hiểm. Tuy nhiên theo anh Hải, là người tập luyện cùng con cả một quá trình dài, với sự quan sát, nhìn ngắm các biểu hiện, anh sẽ là người hiểu rõ nhất về sự sẵn sàng của con, trước mỗi thử thách. Là bố, anh cũng biết điều gì tốt nhất hay nguy hiểm cho con. Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng con trong nhiều hành trình khám phá.
Lan Hương
Ảnh: NVCC