Hơn 8h sáng, ở cổng vào một khu tập thể trong con ngõ 41, Đông Tác (Hà Nội), bé Đạt đang chập chững những bước đi đầu tiên. Em tự chơi trên sân bê tông rộng rãi. Cách đó vài mét, bố mẹ em - chị Tuyết, anh Huế - đang tất tả phục vụ khách ăn sáng.
Góc bán hàng chỉ chừng 4m2, nhưng bán đủ món. Buổi sáng có cháo trai, bánh trôi, trứng vịt lộn. Giữa giờ có trà đá, nước mía, dưa cà. Chiều, anh chị lại bán bánh gối, nem rán... Lúc vãn khách, anh Thành còn chạy thêm xe ôm hay cắt tóc.
Đủ ngón nghề mà mỗi ngày lãi chẳng được hai trăm nghìn đồng. Nhà đi thuê, với hai con nhỏ, phải tiết kiệm lắm anh chị mới sống được ở đất Thủ đô nhiều năm nay, sau một lần đầu tư thua lỗ phải bán nhà ở quê Thái Bình ra đi.
Ai ở khu này cũng biết nhà cu Đạt nghèo nhất xóm. Nhưng bù lại, sự hiền lành, chân chất của gia đình rất được lòng mọi người. Họ tạo điều kiện cho anh chị buôn bán. Đặc biệt bé Đạt rất được người lớn, trẻ nhỏ ở đây cưng nựng.
"Nhiều hôm con ăn gì, ngủ lúc nào, hai vợ chồng cũng không quản được vì bận khách, còn bé được mấy bác về hưu lo hộ rồi", anh Huế, 44 tuổi, chia sẻ.
Có hôm gặp mưa, anh chị lại nháo nhào tìm cách căng bạt che cho con. Mỗi khi có tiếng động, anh chị lại nhói lòng nhìn về hướng con nằm. Hôm nào bé không thể ngủ yên được, anh chị lại nhắc nhau dọn hàng sớm.
Lăn lê ở góc đường từ 7h sáng đến 9h tối mỗi ngày, bé Đạt rất thân thiện, ít khóc, ăn uống dễ dàng. Anh Huế dự định khi con được 2 tuổi sẽ xin cho học vào một trường công gần đó. Lúc đó anh chị sẽ có nhiều thời gian hơn tập trung kiếm tiền.
Bà Lan, 60 tuổi, ở khu tập thể này chia sẻ lâu dần mọi người đã quen với hình ảnh thằng bé ngủ ở lề đường, với cái màn cũ kỹ phủ lên. Nhiều lúc dù cu cậu đã ngủ, bà hay nhiều người khác cũng phải ngó vào ngắm.
"Nó dễ tính và thân thiện lắm. Ai đi qua cũng phải trêu nó, mà giả dụ có chưa kịp hỏi thì nó cũng bi bô hỏi mình trước rồi. Vui nhất là buổi chiều các anh chị đi học về, chơi trong sân, thằng bé cũng lẽo đẽo chạy theo", bà Lan chia sẻ.
Phan Dương