Trong chương trình "Mặt Trời bé con" (Little Big Shots) lên sóng tối 10/12, Gia Khiêm, 10 tuổi, đến từ Hưng Yên, khiến MC Lại Văn Sâm liên tục phải dùng từ "thán phục" để bày tỏ sự ngưỡng mộ với niềm đam mê lịch sử của em.
Gia Khiêm cho biết bắt đầu thích nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ lớp 3. “Khi xem phim Hào khí Thăng Long trên tivi, em thấy rất hay và đã nhờ bố đi mua nhiều sách sử về đọc”, Khiêm chia sẻ.
Gia Khiêm trong thử thách đoán nhân vật lịch sử qua hình ảnh. Video: VTV
Bước vào thử thách đoán tên nhân vật lịch sử qua hình ảnh, Gia Khiêm trả lời đúng tất cả. Đầu tiên là hình ảnh của Chu Văn An. Em thông tin ông đỗ tiến sĩ thời vua Trần Minh Tông nhưng không ra làm quan ngay mà về quê mở trường dạy học. Thấy tài đức của ông, vua Minh Tông đã mời ra làm quan.
Đến thời vua Dụ Tông, Chu Văn An thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo nên đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Lúc này, ông xin từ quan về dạy học, ngày ngày làm thơ, bầu bạn với thiên nhiên.
Nhân vật thứ hai là Lê Lai cứu chúa. "Lê Lai là tướng dưới trướng của Lê Lợi. Vào một lần quân Lam Sơn bị bao vây chặt ở vùng núi Chí Linh, Lê Lai đã xin mặc áo chúa dụ quân địch nhằm tạo cơ hội cho Lê Lợi thoát khỏi vòng vây. Cuối cùng ông đã bị lôi về Yên Kinh xử chém", Gia Khiêm vanh vách kể lại.
Lê Văn Duyệt là nhân vật lịch sử thứ ba được nhắc tới trong thử thách. Khiêm cho biết ông là một tướng của Nguyễn Ánh, giúp Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn. Lê Văn Duyệt có công lớn trong trận Thị Nại - trận đánh được so sánh với trận Xích Bích của Chu Du.
Sau khi đọc tên một loạt nhân vật theo hình ảnh xuất hiện trên màn hình, bao gồm Nguyễn Trãi, Quang Trung, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư và Trần Thủ Độ, Gia Khiêm nhắc tới vua Lý Thái Tổ - người ra quyết định dời đô về Thăng Long. Cầm Chiếu dời đô, dù không biết tiếng Hán, em vẫn đọc chính xác 100% nội dung của chiếu này.
Gia Khiêm thuộc lòng Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ. Video: VTV
Nhân vật cuối cùng trong thử thách là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khiêm chia sẻ ông quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau khi đỗ Quốc học Huế và học được hai năm, ông bãi khóa, bị đuổi học. Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930-1931 và nhiều phong trào khác, sau đó được Hồ Chủ tịch giao cho lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
"Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của ông. Trước khi ra chiến trường, ông nhớ câu nói của Bác Hồ: Trận này chắc thắng mới đánh, không thắng không đánh. Võ Nguyên Giáp suy nghĩ cả đêm 25/1/1954 và đã quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Chiến dịch kết thúc vào ngày 7/5/1954. Võ Nguyên Giáp được phong làm đại tướng năm 37 tuổi mà không phải trải qua các cấp bậc", Gia Khiêm nói.
Những câu chuyện lịch sử mà cậu bé 10 tuổi chia sẻ khiến nhiều người lớn bất ngờ. Khiêm khẳng định dù bố mẹ đều theo ngành y, em vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành nhà sử học.