"Bà con đâu cậu? Con muốn gặp bà", Trần Trọng Thanh, 10 tuổi, cất giọng hỏi người cậu họ khi vừa tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật chiều 2/11. Anh Nguyễn Văn Hưng chỉ dám nhắc cháu nghỉ ngơi. Do ảnh hưởng của thuốc gây mê, cậu bé thiếp đi.
Sáng hôm đó, Thanh được bà chở xe đạp điện xuống nhà thờ. Trong lúc xuống dốc, do tay lái yếu, bà ngoại Thanh lao thẳng xuống cống thoát nước bên đường. Hai bà cháu được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Cậu bé 10 tuổi bị dập gan, thận, chảy máu trong còn người bà không qua khỏi.
"Hai xe cùng xuất phát ở viện. Một xe đưa thằng bé lên bệnh viện tỉnh, xe còn lại chở bà về nhà an táng", anh Hưng kể.
Sau nhiều giờ phẫu thuật, Thanh qua cơn nguy kịch. Cách nơi em điều trị chừng 120 km, ngôi nhà hai gian ở xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông đã dựng rạp, chuẩn bị làm tang lễ cho bà Nguyễn Thị Phúc, 58 tuổi.
"Mới 10 tuổi mà thằng bé phải chịu quá nhiều nỗi đau", cô Lê Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm của Thanh, nói.
Vợ chồng bà Phúc sinh được bốn người con, mẹ Thanh là chị cả nhưng khờ dại. Thanh là kết quả của một lần mẹ em bị kẻ xấu xâm hại. Mẹ em mất trong một lần sảy chân ngã xuống ao. Thanh thành trẻ mồ côi khi vừa tròn một tuổi. Ông bà ngoại thành bố mẹ.
Năm 2017, người cậu thứ hai mất do điện giật khi đi rà cá. Một năm sau, ông ngoại qua đời vì bệnh. Từ đó em ở với bà và cậu thứ ba bị câm, trí tuệ cũng chậm chạp. Người dì út đi lấy chồng xa, hoàn cảnh khó khăn, ít khi về nhà.
Nhà không có ruộng, để có tiền nuôi cháu và con trai, người phụ nữ 58 tuổi nhận mọi việc, từ rửa bát thuê cho đến bán hoa quả, ngày kiếm vài chục nghìn.
"Nhà bà Phúc nghèo có tiếng trong xã", cô Hằng thở dài. Vài năm trước, căn nhà xập xệ của gia đình được hỗ trợ xây mới, nhưng bên trong trống không, món giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện cũ.
Ông Lê Văn Ru, trưởng thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal cho biết thêm, gia đình bà Phúc có hoàn cảnh rất éo le. Từ khi chồng mất, bà Phúc thành trụ cột trong nhà. Kinh tế khó khăn, gia đình từng bàn tính gửi Thanh xuống nhà dòng để được ăn ở, học tập tốt hơn, nhưng cậu bé xin ở lại vì không muốn xa bà, bạn bè.
Mười tuổi, Thanh rất hiểu chuyện. Sau giờ học cậu bé phụ bà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Sợ bà đau lòng nên chưa bao giờ cậu bé nhắc đến bố mẹ. "Nó chỉ mong lớn nhanh để kiếm nhiều tiền nuôi bà", anh Hưng nói.
Từ lớp một đến lớp 4 Thanh đều đi bộ đến trường. Những ngày mưa, bữa nào đến lớp chân tay em cũng lấm lem bùn đất. Đầu năm nay, được người quen cho chiếc xe đạp điện cũ, bà Phúc nhường xe cho cháu đi học, còn mình đi bộ đến chỗ làm thuê.
Học lực ở mức trung bình khá, nhưng Thanh được thầy cô đánh giá đạo đức tốt, ngoan ngoãn và hiếm khi nghỉ học. Đầu năm học mới, cô Hằng ngỏ ý tặng quần áo, đồ dùng học tập nhưng em nói cô "để phần cho bạn khác vì em đã được cho quần áo, sách vở rồi", cô Hằng kể.
Biết tin bà Phúc qua đời sau lần ngã xe, hàng xung quanh xóm lắc đầu, lo lắng cho cậu bé 10 tuổi. Người cậu câm ánh mắt đờ đẫn, chỉ biết cúi đầu khi có khách đến viếng. Giờ anh cũng mồ côi như người cháu 10 tuổi.
"Họ hàng ở hết trong thôn nhưng đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nhà cửa lụp xụp, kinh tế khó khăn, chẳng thể trông đợi được ai mà bấu víu", ông Ru, trưởng thôn nói. Chính quyền thôn tính kêu gọi lập cuốn sổ tiết kiệm, giúp Thanh trang trải cuộc sống.
Chiều 4/11, Thanh tỉnh táo hơn, gương mặt hơi cau lại mỗi khi cựa nguời vì vết mổ chưa lành. Từ lúc lọt lòng đây là lần đầu tiên em bị thương nặng, mà bà không ở bên dỗ dành. Mỗi khi tỉnh, em lại nhắc đến bà.
"Đợi thêm vài ngày khi sức khoẻ Thanh ổn định chắc tôi phải nói thôi, giấu mãi sao được", anh Hưng thở dài.
Quỳnh Nguyễn