Thanh Trúc đang học lớp 2 một trường tư có tiếng tại Hà Nội. Là con một gia đình có điều kiện, được cưng chiều, Trúc thường xuyên đi cùng bố mẹ đến các trung tâm thương mại lớn trong nước hay ra nước ngoài mua sắm, vui chơi. Quần áo, đồ dùng, đồ chơi của cô nhóc đều là hàng hiệu đắt tiền. Ngồi nói chuyện với bạn, cô bé kể vanh vách những thương hiệu nổi tiếng, giá cả đồ mình có. Bé cũng thường chê bai nhiều bạn cùng lớp dùng đồ "tầm thường, quê kệch".
Ở nhà, từ ăn uống, chuẩn bị đồ dùng đều có người giúp việc làm thay nên khi đi chơi với bạn bè ở lớp, cô bé không bao giờ chịu đụng tay tới. Trúc chẳng thích học và hay kể "bố mẹ nhiều tiền lắm, sau này tớ hưởng hết". Cô bé còn khoe không sợ cô giáo vì "cô mà dám mắng tớ, bố mẹ tớ sẽ báo với hiệu trưởng đuổi ngay. Nhà tớ đã biếu trường cả máy chiếu, laptop... cơ mà".
Bé Đình Nam (Linh Đàm, Hà Nội) cũng là con một đại gia ở tỉnh lẻ mới lên định cư tại Hà Nội. Mới học lớp 1 nhưng cậu bé đã tỏ ra rất tự hào về "vị thế" của gia đình. Chỉ có một con trai nên bố mẹ Nam không tiếc con thứ gì. Hai người hay bận công việc nên thường xuyên vắng nhà, vì thế càng muốn bù đắp cho con bằng những món đồ giá trị.
Có lần Đình Nam nói với bạn: "Nhà cậu không giàu bằng nhà tớ đâu. Bố tớ có 2 ôtô, nhà tớ to lắm, nhà cậu chỉ có một người giúp việc, nhà tớ có 2 cơ. Tớ thích gì là có ngay". Trong lớp, Nam chỉ chơi với những bạn mặc đồ đẹp, và được đưa đón bằng xe hơi giống mình. "Không có ôtô là nhà nghèo rồi, chẳng có gì đâu", cậu nhóc nói.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM cho rằng, trong những trường hợp này, vai trò quan trọng nhất là giáo dục gia đình, cách ứng xử của phụ huynh. Nhiều người vô tình hay cố ý phô trương cho con thấy sự giàu có của gia đình mình, thậm chí thể hiện để trẻ hiểu những tài sản này sau này sẽ là của chúng.
Từ đó, trẻ tự cho mình là người thuộc tầng lớp thượng lưu, được thụ hưởng mà không cần phải nỗ lực gì. Các em cũng có thể mang những niềm hãnh diện ảo về vật chất không phải do mình tạo ra, hoặc ảo tưởng cho có tiền là được người khác tôn sùng. Có nhiều em phung phí tiền bạc để được bạn bè tâng bốc, bợ đỡ.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, hiện nay hiện tượng trẻ kiêu ngạo, coi thường người khác vì nghĩ gia đình mình giàu sang, nhiều tiền, rất phổ biến. Đây thường không phải là lỗi của trẻ mà do các em bị nhiễm từ người lớn và môi trường sống quanh mình.
"Nếu bố mẹ quá coi trọng nhà cửa, xe cộ, coi thường những người có điều kiện kinh tế kém hơn, thì việc con họ kênh kiệu, ỷ lại vào tiền chẳng có gì lạ", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho biết, có không ít phụ huynh khi con có trục trặc về tâm lý, đưa con đi trị liệu, nói sẵn sàng chi gấp 2-3 lần giá tiền để trị liệu cho con mình, hủy giờ trị liệu cho trẻ khác. Khi bị từ chối, những người này tỏ ra ngạc nhiên, vì trước đó, họ luôn nghĩ tiền có thể giải quyết được mọi việc.
Theo ông, tiền bạc, sự giàu có ít có ý nghĩa với trẻ nhỏ. Cái chúng cần là nơi để thỏa sức vui chơi, khám phá, được bố mẹ quan tâm, yêu thương. Trẻ con không hề coi trọng vật chất như người lớn. Chúng cũng chưa biết đem của cải để ra oai. Những suy nghĩ, cách nhìn nhận, lời nói của trẻ chủ yếu do hấp thụ, bắt chước những người xung quanh, nhất là bố mẹ mình.
"Xã hội ngày càng coi trọng giá trị vật chất. Không ít người tuy không khá giả nhưng vẫn cố mua được ôtô, để đối tác làm ăn tin tưởng, nâng cao hình ảnh của mình trong mắt người khác. Nhiều người trẻ đòi bố mẹ mua bằng được máy tính bảng, điện thoại cao cấp... chỉ nhằm khoe khoang, chứ thực sự không bao giờ dùng đến các tính năng của những đồ công nghệ này. Tất cả đều ảnh hưởng tới trẻ", ông Chuẩn chia sẻ.
Trẻ rất thông minh, nhạy cảm. Khi nhận biết được sự giàu có của gia đình, bản thân trẻ luôn được đáp ứng mọi nhu cầu, sự đòi hỏi của chúng sẽ ngày càng lớn hơn. Trẻ có thể tự tách mình ra khỏi tập thể, coi bản thân cao hơn người khác dựa vào những giá trị vật chất mình có. Khi đó, trẻ có thể dùng thước đo nhà lầu xe hơi = giàu có = hơn người = được phép hưởng thụ... Và lối suy nghĩ này làm hại các em.
Trẻ có thể trở nên chi tiêu phung phí, tiêu tiền vào những việc không cần thiết. Các em không quý sức lao động, thấy mọi thứ đều có thể có được một cách dễ dàng (nhờ tiền) và không cần cố gắng gì hết. Những đứa trẻ này khi lớn lên thường có sức chịu đựng kém, dễ thất bại, khó thích nghi và hòa nhập.
Ông Chuẩn cho rằng, thực tế những người giàu có nhờ lao động chân chính thường biết trân trọng giá trị đồng tiền mình làm ra, không khoe của, và biết dạy con phấn đầu học hành, khiêm tốn, chi tiêu hợp lý. Họ sẽ dạy trẻ biết tự hào về những gì do mình làm ra, chứ không phải vì những điều hưởng thụ từ người khác.
"Nếu muốn dạy trẻ biết hòa đồng với bạn bè, biết trân trọng những giá trị về nhân cách, đạo đức, lao động... thì những lời dạy dỗ suông không đủ, quan trọng là bố mẹ phải làm gương về cách ứng xử hằng ngày, không tiêu xài phung phí, sử dụng đồng tiền một cách có ý, đồng thời hạn chế thỏa mãn quá mức những nhu cầu về vật chất cho con", nhà tâm lý nói.
Vương Linh
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.