Được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nữ nhà văn Suzanne Collins, The Hunger Games ra mắt tháng ba năm ngoái đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Với kinh phí 78 triệu USD, tác phẩm này thu về tới gần 700 triệu USD và nằm trong Top 10 phim ăn khách của năm. Câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn trong một thế giới hoang tàn với nhân vật chính là cô gái trẻ dũng mãnh Katniss Everdeen đem tới cho The Hunger Games một lượng fan khổng lồ không thua kém Twilight hay Harry Potter. Lionsgate quyết định đầu tư tới 140 triệu USD cho phần hai và biến Catching Fire trở thành một trong những bom tấn được chờ đợi nhất năm nay.
Trailer phim "The Hunger Games: Catching Fire" |
|
The Hunger Games lấy bối cảnh tương lai không xa khi Bắc Mỹ bị đe dọa bởi hạn hán, hỏa hoạn, đói kém và đặt ra giả thuyết khi đó chiến tranh được thay thế bằng một trò chơi săn người. Mỗi năm, các quận cử ra đại diện tham dự cuộc đấu một mất một còn để làm trò giải khuây cho các thế lực giàu có. Trò chơi khát máu này được xây dựng như một show truyền hình thực tế truyền đi khắp nơi. Người duy nhất sống sót là người chiến thắng sau trò chơi. Kết thúc phần một, Katniss (Jennifer Lawrence) công khai tình yêu với người cùng quận đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh - Peeta (Josh Hutcherson).
Chuyện tình này chấm dứt đấu trường sinh tử với cả hai người chiến thắng và khiến Tổng thống Snow không hài lòng. Katniss bị coi là người tiên phong cho cuộc nổi dậy của người dân Panem. Trong cuộc diễu hành mừng chiến thắng, Katniss và Peeta phải chứng kiến những người dân ủng hộ hai người bị đàn áp khốc liệt bởi quân đội từ Capitol cử tới. Quận 12 - quê nhà của hai người chiến thắng trò chơi sinh tử - càng bị cho vào tầm ngắm của chính phủ. Chưa kịp tận hưởng chiến thắng thì Katniss và Peeta đã phải tham gia The Quarter Quell – đấu trường dành cho những quán quân của trò chơi đẫm máu này.
Sau phần một, đạo diễn Gary Ross rời “ghế nóng” và người thay thế là đạo diễn người Áo, Francis Lawrence - tác giả của Constantine, I Am Legend và Water for Elephants. Nếu như Gary lược khá nhiều chi tiết trong tiểu thuyết và biến đổi câu chuyện theo một hướng mới trong phần một thì Francis lại rất trung thành với nguyên tác. Catching Fire lược bỏ rất ít chi tiết trong truyện nhưng vẫn khiến kể cả những fan của bộ tiểu thuyết phải hồi hộp theo dõi và bị lôi cuốn tới phút cuối nhờ cách kể khéo léo, giữ được mạch cảm xúc của người xem từ khoảnh khắc mở đầu cho tới khi biểu tượng chim húng nhại bắt lửa khép lại phim.
The Hunger Games mang tính chất giới thiệu về câu chuyện và từng nhân vật cũng như những nét độc đáo, khốc liệt và đáng sợ của Đấu trường sinh tử thì ở Catching Fire, nội tâm của các nhân vật được xây dựng kỹ hơn. Chủ đề câu chuyện được nâng tầm lên với nhiều biến cố, bất ngờ mà các nhân vật phải trải qua. Mạch phim được dồn nén, trải dài và đưa đẩy theo tốc độ tăng dần khiến khán giả bị hút theo các nhân vật và mong muốn khoảnh khắc kết thúc sẽ không bao giờ đến. Tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, hy vọng, niềm tin, sự kiêu hãnh và cả nỗi lo sợ đều được lồng ghép một cách hợp lý, tạo nên một mạch cảm xúc thống nhất trong ngôn ngữ điện ảnh của Catching Fire.
Với kinh phí 140 triệu USD và chẳng cần tới hiệu ứng 3D, Catching Fire vẫn khiến khán giả mãn nhãn và thực sự hưng phấn trước từng khuôn hình. Bối cảnh đấu trường, những cánh rừng hoang vu lạnh lẽo vào mùa đông ở quận 12 hay những bữa tiệc xa hoa - phù phiếm ở Capitol đều được dàn dựng công phu. Đặc biệt là việc thiết kế mô hình của Huyết trường Tứ phân sẽ gây choáng ngợp bởi ý tưởng sáng tạo độc đáo. Về mặt hình ảnh, Catching Fire sẽ làm hài lòng những ai đam mê kỹ xảo dù đó chỉ là một yếu tố bổ trợ cho câu chuyện.
Ngoài kịch bản xuất sắc và hình ảnh đẹp mắt, những yếu tố còn lại từ diễn xuất tới phục trang, trang điểm hay âm nhạc của Catching Fire khi đứng độc lập cũng đã tạo nên sự hấp dẫn. Ở những phim bom tấn, diễn xuất của các diễn viên đôi khi không quá quan trọng bởi phần lớn khán giả đều tập trung vào kỹ xảo. Nhưng ở bộ phim này, dàn diễn viên lại giống như “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm nhất. Với những gì đem tới cho vai Katniss ở phần này, Jennifer Lawrence tiếp tục thể hiện đẳng cấp và khẳng định cô là đại diện xuất sắc cho những diễn viên cùng thế hệ. Ánh mắt cương nghị, mạnh mẽ nhưng vẫn có nét mềm mại, yếu đuối sẽ khiến khán giả nhớ mãi. Sự biến đổi cảm xúc của Katniss đều được Jen thể hiện nuột nà như thể đó chính là con người cô chứ không phải là một nhân vật hư cấu.
Sự biến hóa khôn lường trong diễn xuất của Jennifer Lawrence khiến dàn diễn viên trẻ tuổi còn lại trở nên lu mờ hơn dù Josh Hutcherson hay Sam Claflin cũng đã thể hiện rất tròn vai. Đủ sức cạnh tranh độ thu hút với Jennifer Lawrence chỉ có Elizabeth Banks trong vai Effie. Xuất hiện không nhiều nhưng từng khoảnh khắc, từng bộ trang phục hay từng cử chỉ của nhân vật này đều rất duyên, tạo được ấn tượng khiến khán giả nhớ lâu. Effie là trợ tá cho các vật tế của quận 12 và nhân vật này thể hiện tốt vai trò làm dịu đi không khí căng thẳng của bộ phim. Bên cạnh đó, Philip Seymour Hoffman (vai Heavensbee) hay Jena Malone (vai Johanna) và một số diễn viên phụ khác cũng tạo được hiệu ứng cho Catching Fire.
Những bộ cánh lộng lẫy và lối trang điểm hợp thời của các nhân vật cũng tạo nên nhiều khoảnh khắc thời trang đáng nhớ trong Catching Fire. Những chiếc váy mà Jennifer Lawrence diện trong phim đều nằm trong các bộ sưu tập gây chú ý của những nhà thiết kế như Christopher Kane, Tex Saverio. Bộ trang phục tượng trưng cho loài chim húng nhại khi Katniss ra mắt trên sân chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải trầm trồ. Trong khi đó, phong cách của Effie dường như là sự tri ân đến Alexander McQueen khi toàn bộ trang phục Elizabeth Banks diện đều là của nhãn hiệu thời trang lừng danh này. Cách trang điểm kẻ mắt hình học và đính hạt lấp lánh ở viền dưới cũng rất thời thượng, biến Catching Fire trở thành một bộ phim hấp dẫn ở cả phương diện thời trang.
Âm nhạc trong phim cũng hỗ trợ một cách tuyệt đối cho hình ảnh và tạo mạch cảm xúc trọn vẹn. Khán giả sẽ được thưởng thức những giai điệu lúc sâu lắng, nhẹ nhàng khi dồn dập, mạnh mẽ đến từ nhiều nghệ sĩ được yêu thích nhất hiện nay như Coldplay, Of Monsters and Men, Imagine Dragons, Christina Aguilera, The Lumineers, Ellie Goulding hay cả “hiện tượng” 16 tuổi người New Zealand đang làm mưa làm gió trên Billboard - Lorde.
Catching Fire không chỉ là một tác phẩm bom tấn mang tính giải trí cao mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Cái hay của bộ phim là thông qua câu chuyện hư cấu, người xem cảm nhận được những thông điệp về nghị lực của con người, về bản năng sinh tồn khi phải đối mặt với cái chết hay việc vượt qua nỗi sợ hãi để giành chiến thắng bản thân. “Thứ duy nhất mạnh mẽ hơn sợ hãi - đó là hy vọng” - câu thoại của nhân vật Tổng thống Snow đã thể hiện cho tinh thần cũng như ý nghĩa mà cả tác giả tiểu thuyết là Suzanne Collins cũng như những người chuyển thể cuốn sách gửi gắm tới khán giả.
Vì lược bỏ khá ít chi tiết trong truyện nên với những ai chưa xem cả phần một hay đọc truyện sẽ cảm thấy có những đoạn hơi dài, có thể rút ngắn lại thời lượng. Tuy nhiên, với những ai vốn đã biết về câu chuyện này hay chỉ đơn giản là muốn được thưởng thức một bom tấn thực sự toàn diện thì dường như sau 146 phút vẫn còn cảm giác thòm thèm, mong muốn được xem ngay tập tiếp theo là Mockingjay để theo dõi tiếp diễn biến câu chuyện. Với những gì đã thể hiện, Catching Fire thực sự xứng đáng với những lời tán dương, xứng đáng tạo nên những kỷ lục doanh thu và xứng đáng là một trong những bom tấn hay nhất của năm 2013.
The Hunger Games: Catching Fire (The Hunger Games: Bắt lửa) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27/11.
Ca khúc chủ đề của phim: "Atlas" - Coldplay |
|
Nguyên Minh