Hạnh Đỗ
Thế mới có chuyện một nhà văn nữ trẻ kỳ cục cả tháng trời để viết một truyện ngắn ưng ý, đăng trên một tờ báo văn lớn nhất nước, đến khi mở phong bì nhuận bút mới dở khóc dở cười vì số tiền chưa đủ cho một bữa ăn trưa cơm văn phòng - máy lạnh. Để sống được bằng nghề hầu hết các nhà văn phải làm việc tay trái: viết báo, viết kịch bản, đi buôn... Cực nhọc vậy nhưng chưa thấy ai có ý định bỏ nghề viết chỉ vì tiền bạc thu được từ nó quá ít. Văn chương vẫn là một ma lực.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân: "Muốn sống không thể thiếu văn chương thì đương nhiên không có nhiều tiền"

Nhà văn Nguyễn Quang Thân.
- Ông nổi tiếng trong giới là người có thể sống khoẻ bằng nghề. Ông làm thế nào để giữ được "phong độ" ấy trong khi các nhà văn khác đều khó trông chờ vào việc mưu sinh từ ngòi bút?- Tôi luôn cảm thấy mình sống khoẻ. Sống khoẻ, theo lời ông nội tôi, một nhà nho có dạy: "Cháu phải luôn nhớ lời của Lão Tử: tri chỉ, tri túc. (Biết dừng lại là biết đủ). Anh đi săn con thú gì thì sẽ mang về nhà con thú đó. Nếu anh quyết dành cuộc đời để kiếm tiền thì anh là anh sẽ có tiền thôi và đương nhiên là anh khó có những thứ khác (dù có tiền mua tiên cũng được nhưng đó vẫn là thứ "tiên mua" chứ không phải tiên "theo không" mình về nhà). Tôi thích văn chương, muốn sống không thể thiếu văn chương thì đương nhiên không thể có nhiều tiền. Tôi đi săn thỏ thì sao lại bảo tôi sao không mang bò tót về nhà? Bí quyết giữ phong độ là chỉ phấn đấu kiếm tiền tự mình thấy là đủ, không nhìn vào ai. Còn văn chương thì hãy mãi mãi nhìn vào những nhà văn viết hay nhất và không bao giờ thoả mãn hay dừng lại.
- Theo ông, việc sống được bằng nghề có là một tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của nhà văn không?
- Biết viết văn mà muốn sống được ở cái xứ này thì có nghĩa là phải báo. Viết báo để tham gia nghĩ vụ công dân với xã hội dân sự, để sống (một cách tối thiểu), để lấy tiền đi lại, để đóng "thuế làm người" (cưới xin, ma chay, khách khứa, tiệc tùng, làm từ thiện... ) và có thể sống khoẻ mà đeo đuổi nghiệp văn chương. Ở xứ ta nếu bạn là tác giả Harry Potter đi nữa thì bạn cũng chỉ đủ sống để viết mà nuôi... những người in sách lậu. Nếu có một nhà văn sống được bằng văn chương thì chưa có nghĩa là họ lớn mà vì họ rất giỏi trong việc chống nạn gian lận bản quyền mà thôi.
- Món tiền nhuận bút nghèo nàn mà ông từng nhận được là bao nhiêu?
- Là con số không. Tôi không tiện nêu tên một vài NXB in truyện ngắn của tôi mà không trả tiền cũng như hãng truyền hình lớn nhất phía Nam chuyển thể một truyện ngắn của tôi mà tôi chỉ biết sau 2 năm khi vào mạng. Nhưng không sao. Số không trong toán học vẫn là một đại lượng và nó cũng có giá trị của nó. Lão Tử thì nói rằng số không là mạnh nhất.
- Và số tiền lớn nhất?
- Cuốn tiểu thuyết Ngoài khơi miền đất hứa dịch và in ở Pháp với khoản nhuận bút 20 triệu đồng VN, sau đó là chuyến đi 1 tháng sang Pháp do một Viện nghiên cứu vùng Aquitaine mời nhờ ảnh hưởng tốt của cuốn sách. Hiện nay sách đã bán hết và tôi đang yêu cầu NXB tái bản theo hợp đồng đã ký kết.
- Thời trước, ông kiếm sống bằng nghề gì khi mà tiền nhuận bút hồi ấy chỉ là những con số tượng trưng?
- Nhuận bút thời bao cấp không tượng trưng chút nào. Nhà văn Tô Hoài mua được biệt thự ở Liên Trì bằng tiền nhuận bút đó thôi. Cuốn tiểu thuyết Lựa chọn của tôi in năm 1977 bằng khoảng bốn cây vàng. Nhà văn Phù Thăng in xong Phá vây làm được nhà ở quê. Cho nên hồi đó (1957 - 1988) tôi sống bằng mấy tờ tem phiếu loại bét cán bộ biên tập và "đóng thuế làm người" bằng nhuận bút văn chương (khoảng mười lăm cuốn sách).
- Tiền bạc có bao giờ là áp lực với những trang viết của ông?
- Viết văn ở xứ mình chịu nhiều loại áp lực nhưng trong đó không có áp lực về tiền bạc. Đơn giản vì những trang viết chẳng đưa lại cho nhà văn bao nhiêu tiền mà tạo ra được áp lực.
- Nếu một người trả nhuận bút rất cao để ông viết một cuốn sách hoàn toàn theo ý họ, ông trả lời sao?
- Tất nhiên là không rồi bởi vì, nếu ham tiền mà nhận viết thì cũng không thể nào viết nổi một cuốn sách hoàn toàn theo ý người khác, cảm hứng đâu mà viết? (ít nhất là đối với bản thân tôi). Balzac nói: "Tôi viết dưới ánh sáng của Chúa". "Dưới ánh sáng" chứ không phải "hoàn toàn theo ý" của Chúa nếu như Chúa cũng có lúc khinh suất mà can thiệp vào văn chương.
- Ông có bao giờ tiếc vì đã chọn cái nghề đồng nghĩa với chữ "nghèo"?
- Nhà văn nếu đúng là nhà văn thì không có nhiều tiền chứ không nghèo. Tôi cũng không nghèo. Tiền chỉ là một trong những dữ liệu để cho biết ai đó giàu hay nghèo chứ không phải duy nhất. Tôi cũng có quyền tự hào là mình có những cái mà người giàu không có, không mua được. Cho nên nghề văn nếu đã có độc giả thì không đồng nghĩa với nghèo dù theo tiêu chuẩn xoá đói giảm nghèo của tổ dân phố lẫn tiêu chuẩn nào khác. Tôi đọc được câu này trong ngôi nhà cuối đời của Leonard da Vinci ở vùng Loire (Pháp): "Người nghèo nhất là người có nhiều tham vọng nhất". Có lẽ vì thế mà nghề văn được coi là đồng nghĩa với chữ "nghèo" chăng?
Nhà văn Phạm Hải Anh: "Nhà văn ở đâu cũng thanh bạch"

Cuốn sách của Phạm Hải Anh.
- Chị viết không nhiều nhưng các cuốn sách đều gây được sự chú ý, nhất là "Người với phù du" mới ra. Chị sống được bằng nghề chứ?
- Tôi không nỡ xem viết truyện là nghề. Nó cao quý lắm vì nó... không ra tiền, hoặc nếu có thì cứ như một món quà Giáng sinh.
- Văn chương hấp dẫn nhất ở điểm gì khiến chị không thể bỏ được nó?
- Văn chương đâu phải một người tình ma quái đỏng đảnh, ai đã trót yêu thì bị ám cả đời. Với tôi, nó là một món quà trời cho, tôi chẳng dại gì bỏ nó khi nó đến với mình.
- Chị từng có thời gian sống và viết ở nước ngoài. Sự đãi ngộ với nhà văn ở bên ấy như thế nào?
- Ở nước ngoài tôi sống bằng nghề khác. Nhưng tôi nghĩ nhà văn thì đa phần ở đâu cũng thanh bạch thôi. Số người viết chuyên nghiệp thành công rất ít, cứ nhìn các đầu sách in ra thì biết, hàng nghìn cuốn mới có một vài cuốn được để ý.
- Số tiền nhuận bút khiến chị thấy "tủi thân" nhất?
- Có nhuận bút mà còn tủi thân là sang đấy. Tôi thì đã quen với tình trạng mò mẫm ở hiệu sách, thấy quyển truyện ngắn mới định mua, mở ra chợt thấy có truyện của mình, mà mình chẳng hề được thông báo một tiếng. Mừng mừng tủi tủi. Không biết bao giờ quyền tác giả ở Việt Nam mới được thực hiện nghiêm túc?
- Đồ vật đáng giá nhất chị sắm được nhờ vào tiền nhuận bút?
- Là gần đây nhất khi lĩnh nhuận bút Người với phù du, tôi có rủ bạn bè đi khao ba ba rang muối, mà về nhà túi vẫn rủng rỉnh đầy tiền. Kể cũng phong lưu đấy chứ.
- Chị có phấn đấu để trở thành một nhà văn sống hoàn toàn bằng tác phẩm của mình, như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn?
- Văn chương là thứ không "phấn đấu" được.
- Những nhà văn trẻ bây giờ chia ra hai thái cực: một tử thủ với văn chương, một viết cho vui vẻ, chị theo phe nào?
- Ai lại nỡ đi phân loại nhà văn rạch ròi như bò đen bò vàng thế.
- Chị đang làm việc cho Thiên Ngân với tư cách là nhà biên kịch. Liệu chị có "thâm canh" những tác phẩm của mình theo cách làm của các nhà văn khôn ngoan?
- Nếu bước sang làm biên kịch thì khôn ngoan nhất là đừng thâm canh tác phẩm văn học của mình. Các nhà làm phim sợ nhất là gặp phải kịch bản "nhiều chữ" của nhà văn.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: "Vẫn phải ở nhà thuê"
![]() |
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. |
Nếu tính số đầu truyện của Diệu so với các nhà văn khác thì cô viết không nhiều. Chỉ có điều, riêng với chuyện Bóng đè thôi Diệu đã "phủ đầu" người đọc và xác lập vị trí văn chương của riêng mình. Sách gắn với tên Đỗ Hoàng Diệu vừa ra "chợ trời" đã trở thành của hiếm được "săn lùng". Nhiều người hâm mộ đã phải ngậm ngùi mua bản in lậu với giá chợ đen. Có những tin đồn rằng sau Bóng đè, Diệu trở thành người giàu, mua được nhà, dùng hàng hiệu, tiêu tiền triệu.
Sự thực là Diệu vẫn phải ở nhà thuê, giá rẻ mạt: chưa đến 1 triệu đồng mỗi tháng, và ở một khu phố khá xa trung tâm. Nhưng mà chuyện Diệu dùng hàng triệu là có thật. Bạn bè tháp tùng cô trong những lần shopping đều trố mắt khi thấy Diệu không ngại ngần xách về những cái áo, váy giá tính bằng USD. Xem phim, Diệu cũng chỉ chọn Megastar với giá vé gấp mấy lần rạp thường và vào đấy có khi ngủ khò vì phim chán mà cũng chẳng mảy may tiếc số tiền đã bỏ ra mua vé.
Nhiều người thấy Bóng đè phát hành lên đến hàng chục nghìn bản và lời tuyên bố "ăn đủ" của đầu nậu đã "chắc cú" rằng Diệu không bỏ túi hàng trăm triệu thì mới là chuyện lạ. Đến lúc tổng kết vốn thu hồi, trong tay Diệu có 35 triệu đồng - một con số đáng mơ ước với các nhà văn khác nhưng cũng không để ai đó phải giật mình.
Thường, nguồn thu nhập chính của Diệu vẫn là việc tư vấn pháp luật - đúng chuyên ngành mà cô được học. Công việc ấy đem lại cho Diệu số tiền đủ để "tiêu hoang theo kiểu... con gái nhà nghèo". Một vài công việc viết lách cho những tờ báo hải ngoại chỉ đủ nhuận bút để thỉnh thoảng ăn trưa với bạn và...cắt tóc gội đầu.
Vừa rồi, tin Diệu lấy chồng Mỹ loang ra, một số fan đã tin cô từ nay có tên trong "hội phù hoa", thành người "thượng lưu" rồi, viết lách bây giờ chỉ để "mua vui", không màng tiền bạc.
Nhà văn Trần Ngọc Linh: "Nhìn Quách Kính Minh cũng... sốt ruột"
- Một nhà văn 8X viết kỹ như anh sẽ sống bằng nghề như thế nào?
- Dạo này tôi đang đi viết báo, hồi trước còn là sinh viên, dù không chơi không tiêu, thì vẫn được bố mẹ cho ăn để... viết văn; chứ giờ ra trường rồi nếu chỉ có đi viết văn thôi thì làm sao đủ sống.
Chắc tương lai vài năm tới thì tôi vẫn cứ viết báo thôi, văn chương thì mình cứ để đấy đã, viết nó cũng không đành. Thời thế bây giờ vẫn thấy khó... Vì như tôi nhớ thì ngày xưa ông Nguyễn Bính khi làm bài thơ Lỡ bước sang ngang đăng ở một tờ báo nào đó ở Sài Gòn, đủ tiền trả nợ và chơi bời trong vòng 3 tháng. Đấy có lẽ là một giấc mộng con cho các nhà văn.
- Nếu có một chủ sách đề nghị rằng: thay đổi lối viết của anh đi, hãy lao vào những đề tài đang "hot" để chúng tôi lăng-xê sách của anh thành best-seller, anh sẽ phản ứng như thế nào?
- Tôi chẳng phản ứng thế nào đâu. Họ cũng như tôi, họ cũng phải làm nghề. Nghề của họ là phải tìm những cuốn sách giật gân, những con người của công chúng. Còn nghề của tôi là đi viết cho những xác tín nghệ thuật của mình. Họ làm nghề tốt đấy chứ, cái chính là nhu cầu thẩm mỹ của công chúng không tạo nhân duyên cho tôi với họ gặp nhau thôi.
- Nhìn vào những nhà văn triệu phú cùng thời ở Trung Quốc như Quách Kính Minh, Tào Đình..., anh thấy sao?
- Sốt ruột lắm chứ, nhưng làm thế nào được. Mình đang theo đuổi một con đường khác mà họ đang đi.
Thêm nữa nếu so sánh vấn đề này cũng rất khó. Trung Quốc có một tỷ dân, để trở thành triệu phú với vài trăm nghìn ấn phẩm thì không khó. Ở Việt Nam có mấy chục triệu dân, với một hai nghìn ấn phẩm thậm chí vài chục nghìn ấn phẩm cũng khó có thể trở thành triệu phú được. Nhất là khi dân chúng vẫn thích đọc sách giảm giá, sách in nối bản, sách in lậu hơn là đàng hoàng vào một nhà sách mua một cuốn coi như là sự ủng hộ một cách lương thiện cho các nhà văn.
- Sự nổi tiếng, tiền bạc, hay những giá trị "không sờ mó được" là điều anh hướng tới trong văn chương?
- Nếu sờ mó được đến những giá trị kia thì lúc ấy chắc tiền bạc và sự nổi tiếng sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi còn nhớ trong một truyện ngắn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết: "Đời người ai chả một lần theo đuổi những điều phù du". Văn chương cũng chỉ là một trong số những điều phù du mà bất cứ ai cũng muốn theo đuổi.
- Danh hiệu nhà văn trẻ khi nào thì là niềm vui, khi nào thì là sự nhọc nhằn?
- Khi mình viết được một tác phẩm mới, đó là niềm vui, còn sống trong danh tiếng của tác phẩm cũ đó là sự nhọc nhằn.
- Anh có mong muốn trở thành một nhà văn chuyên nghiệp?
- Hiện giờ tôi viết báo, trước mắt sẽ làm tốt công việc đó đã vì nó đang nuôi sống tôi. Không thể nào ăn của nhà này phù hộ cho nhà khác được.
Còn tôi vẫn viết văn, mặc dù không đều đặn lắm. Có thể năm sau hoặc năm mười năm nữa tôi mới hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, và như thế thì không thể gọi là chuyên nghiệp được, như thế chỉ là người đi câu, hôm nào trời cho cá thì được ăn. Chỉ khi nào có sự đồng bộ chuyên nghiệp trong văn chương từ việc sáng tác - phê bình - lý luận đến xuất bản thì chắc lúc đó mới có nhà văn chuyên nghiệp được.
Nhà văn Cấn Vân Khánh: "Làm biên tập để 'nuôi' việc viết lách"
![]() |
Tác giả Cấn Vân Khánh. |
- "Khi nào anh thuộc về em?" là cuốn sách đang được khá đông độc giả lùng mua, đã có lời đồn tác giả của nó "bội thu". Chị nói sao?
- Cuốn sách của tôi ra mắt bạn đọc một tháng đã được tái bản. Tôi sẽ "bội thu" nếu mỗi lần sách được in ra với số lượng gấp mười lần hiện tại.
- Không ít nhà văn 8X như chị đã không ngần ngại nói rằng họ viết văn là vì danh, vì tiền. Còn chị?
- Tôi thích chứng tỏ khả năng của mình trong lao động sáng tạo là chủ yếu, còn danh tiếng có thật hoặc có giả đấy. Tôi lại không phải tuýp người ưa thích sự phù phiếm. Tôi muốn độc giả biết đến và yêu mến tác phẩm của tôi, chứ không phải chỉ biết đến một cái tên là Cấn Vân Khánh. Còn vì tiền thì dĩ nhiên, vì đó là công việc của tôi mà.
- Thu nhập từ công việc viết lách có đủ nuôi tác giả?
- Không phải không có tác giả sống được nhờ ngòi bút của mình. Nhưng số đó hiếm thôi. Có ai đặt câu hỏi là với dân số xấp xỉ 80 triệu dân mà sách văn học được xuất bản ở Việt Nam với số lượng chỉ từ 1.000 đến 2.000 cuốn hay không? Hiện tại, tôi vẫn làm biên tập cho công ty sách Bách Việt để nuôi công việc viết lách đấy chứ.
- Một cuốn sách "kinh điển" nhưng chỉ những loại độc giả nhất định mới tiếp cận được và một cuốn sách dễ đọc dành cho số đông, chị thích viết theo lối nào?
- Tôi xác định sách của tôi viết cho giới trẻ, tôi muốn họ thấy hình ảnh mình trong những trang viết của tôi. Tôi không đi theo lối viết để tự nhằm thoả mãn cảm xúc của mình hoặc kén, thậm chí "đánh đố" người đọc. Tuy vậy, tôi cũng rất tiếc là một số nhà văn có tài, đầu tư tâm sức, thời gian cho tác phẩm của mình nhưng lại không được các nhà phê bình chú ý cũng như không được dư luận công nhận và rốt cuộc những cuốn sách đó bị lớp bụi thời gian phủ mờ trên giá sách.
- Mục tiêu văn chương mà chị đặt ra cho mình?
- Tôi luôn muốn mình nghiêm túc và chăm chỉ hơn nữa trong công việc. Những người làm nghệ thuật đều phải hy sinh rất nhiều. Tôi nghĩ tôi là một người biết lắng nghe. Hy vọng năm sau tôi sẽ ra mắt bạn đọc một tập truyện ngắn nữa.
- Cái khó của những người viết trẻ bây giờ đến với văn học?
- Hiện tại tôi chưa thấy khó khăn nào với những người viết trẻ, các nhà xuất bản cũng như các nhà sách tư nhân sẵn sàng in bất kỳ tác phẩm nào cho họ, miễn là hay. Tôi thấy đây là thời điểm rất thuận lợi cho các nhà văn trẻ chứng tỏ khả năng của chính mình.
(Nguồn: Người Đẹp)