Phẫu thuật nội soi cắt u phì đại tuyến tiền liệt được thực hiện trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, nó đã được triển khai từ những năm 90, đến nay được áp dụng rộng rãi và đều đạt kết quả tốt.
U phì đại tuyến tiền liệt còn gọi bướu lành của tuyến tiền liệt, thường gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng người ta thấy có yếu tố liên quan đến hoóc môn. Tuyến tiền liệt được hình thành từ tuần lễ thứ 12 của thai nhi. Đến tuổi dậy thì, nó nặng khoảng 20 g và hoạt động như tuyến sinh dục phụ, cùng với các thành phần của cơ quan sinh dục nam tiết ra huyết tương dịch để nuôi dưỡng và kích thích sự hoạt động của tinh trùng. Từ 45 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt ngừng tăng trưởng và có chiều hướng tăng sản bệnh lý để hình thành u phì đại. Tần suất u phì đại tuyến tiền liệt (UPĐTTL) tăng theo lứa tuổi, ví dụ ở tuổi 80, tỷ lệ mắc bệnh lên đến 95,5%. Cùng lúc thường có các bệnh khác kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường... biểu hiện tính chất đa bệnh lý tuổi già.
Tuyến tiền liệt nằm ngay sát cổ bàng quang, chia thành 2 hay 3 thùy, bọc xung quanh một phần niệu đạo là đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Phần niệu đạo này còn được gọi là niệu đạo tuyến tiền liệt. Khi u phát triển phì đại, nó sẽ gây chèn ép làm niệu đạo tuyến tiền liệt bị kéo dài, hẹp và gây cản trở việc đào thải nước tiểu. Vì nước tiểu trong bàng quang thường không được đào thải hết nên ứ đọng, dẫn đến nhiễm trùng hoặc tạo sỏi, lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến thận. Ngoài ra, bệnh còn gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, làm người bệnh mất ngủ, lo lắng, buồn nôn, suy nhược...
Triệu chứng bệnh được biểu hiện khi UPĐTTL bắt đầu gây cản trở dòng nước tiểu. Thoạt đầu, người bệnh thấy khó đi tiểu, mỗi lần đi xong cảm thấy chưa tiểu hết. Do bàng quang vẫn còn nước tiểu, cơ phì đại bị kích thích nên người bệnh vẫn còn cảm giác buồn tiểu, muốn đi nữa, hay tiểu nhiều lần về đêm và cố gắng rặn mỗi lần đi. Dòng nước tiểu yếu, ngắt quãng, đôi khi chảy không mạnh hoặc nhỏ giọt, thấm ra quần áo gây khó chịu. Cũng do cố gắng rặn để đi tiểu cho hết nên khi đứng để tiểu, mạch máu của niệu đạo, bàng quang sẽ bị giãn, kết hợp viêm nhiễm sẽ gây thoát mạch nên xuất hiện đái máu, đau vùng bụng dưới. Nhiễm trùng do ứ đọng nước tiểu có thể dẫn đến viêm bàng quang gây triệu chứng bỏng rát vùng bụng dưới, đôi khi có sốt. Việc trào ngược nước tiểu có thể gây tổn thương thận.
Về điều trị UPĐTTL, có nhiều biện pháp khác nhau. Với u nhỏ, triệu chứng mới xuất hiện, rối loạn tiểu tiện chưa nhiều hoặc chưa có chỉ định phẫu thuật, người ta điều trị bằng thuốc alpha - adrenergic (có tác dụng làm giãn cơ cổ bàng quang giúp cho thông tiểu), thuốc nội tiết, kết hợp thuốc kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng kèm theo.
Điều trị phẫu thuật vẫn là biện pháp tối ưu, giải quyết triệt để nguyên nhân. Trước đây, người ta phải mổ mở, bóc lấy khối u. Phương pháp này thường gây mất máu nhiều, người bệnh phải nằm viện kéo dài. Hiện nay, phương pháp mổ nội soi qua đường niệu đạo để cắt UPĐTTL được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Ở các nước phát triển, hơn 90% các trường hợp UPĐTTL được cắt bằng nội soi. Để thực hiện phương pháp này, cần phải có thiết bị chuyên dụng là máy nội soi tiết niệu, đưa qua đường niệu đạo vào tới khối u, cắt và đưa ra ngoài theo đường niệu đạo mà không cần mổ mở. Phẫu thuật này ít mất máu và đau đớn nên người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Tuy nhiên, có khoảng 5% người bệnh bị tiểu không tự chủ sau phẫu thuật. Với những người bị hẹp niệu đạo, phải nong trước rồi mới phẫu thuật lại để cắt. Trường hợp sử dụng dao laser có thể làm bỏng tổ chức tuyến tiền liệt dẫn đến tổn thương các nhánh thần kinh hoặc gây ra một số biến chứng nhỏ.
Việc cắt UPĐTTL bằng nội soi được chỉ định khi khối u không quá lớn (khoảng dưới 50 g), chưa có các biến chứng. Nếu bệnh nhân đến muộn, khối u to, đã có biến chứng bí đái, nhiễm trùng... thì buộc phải tiến hành mổ mở.
BS Nguyễn Đức Chính, Sức Khỏe & Đời Sống