Ngày 27/11, bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Khoa Phụ, cho biết cụ bà bị nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Sau khi điều trị ổn các bệnh nền, bệnh nhân được nạo sinh thiết để xác định nguyên nhân xuất huyết âm đạo kéo dài. Kết quả ghi nhận đây là tăng sản nội mạc tử cung - một bệnh lý lành tính, không phải ung thư.
Bác sĩ Hưng cùng ê kíp đã nội soi cắt tử cung và hai phần phụ của bệnh nhân trong hơn hai giờ phẫu thuật. Hiện cụ bà hồi phục tốt sau mổ.
Theo bác sĩ Hưng, trước đây, tuổi của bệnh nhân là một trong nhiều yếu tố cần được xem xét trước khi phẫu thuật nội soi vì liên quan đến an toàn. Đặc điểm ở người cao tuổi là hệ thống tim mạch khó thích nghi với các tình huống căng thẳng, dễ bị hạ thân nhiệt, chịu đau kém trong và sau phẫu thuật. Ngoài ra, nhóm này thường có phản xạ bảo vệ đường thở kém, suy giảm chức năng thận do giảm lưu lượng máu đến thận và giảm độ lọc cầu thận nên dễ có nguy cơ ngộ độc thuốc mê.
Đồng thời, những thay đổi về tư thế, áp lực trong ổ bụng khi bơm hơi CO2 có thể ảnh hưởng lên huyết động, hô hấp người bệnh trong quá trình phẫu thuật. Vì vậy, việc mổ nội soi phụ khoa ở người cao tuổi rất ít khi được thực hiện tại bệnh viện, đặc biệt là người trên 80 tuổi.
Hiện, với sự phát triển của y học, người bệnh cao tuổi được khảo sát trước mổ cẩn thận các chức năng tim phổi, điều trị tối ưu bệnh nền nếu có. Cùng với các thiết bị, phương tiện theo dõi hiện đại trong phẫu thuật và các thuốc gây mê mới, thuốc hóa giải tốt giúp đảm bảo an toàn trong và sau mổ, hạn chế thấp nhất nguy cơ, các biến chứng.
Phẫu thuật nội soi ở người cao tuổi sẽ giúp người bệnh ít đau sau mổ, nhanh chóng hồi phục và giảm thời gian nằm viện, giảm tỷ lệ nhiễm trùng hậu phẫu.
Lê Phương