So với hiện hành, Luật đã giảm từ 37 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy xuống còn 10 thủ tục. Trong đó có hai thủ tục về thẩm định thiết kế phòng cháy; hai thủ tục về kiểm tra công tác nghiệm thu; 6 thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy.
Ban soạn thảo bãi bỏ các quy định liên quan đến thẩm tra thiết kế nhằm cắt giảm bớt khâu trung gian, tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp; bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc này giúp đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Điều 20 quy định phòng cháy đối với nhà ở, trong đó nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy chữa cháy, phải đảm bảo một số điều kiện.
Cụ thể, nhà phải trang bị bình chữa cháy; thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy. UBND thành phố trực thuộc trung ương xác định khu vực trong diện này và thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định. Hiện, cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đối với nhà ở tại khu vực khác, việc lắp thiết bị truyền tin báo cháy không bắt buộc, song được khuyến khích trang bị. Ngoài ra, nhà ở phải bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng; bố trí lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhà ở phải trang bị thiết bị truyền tin báo cháy là những nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.
Nhà thuộc nhóm này chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây. Để bảo đảm việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy được kịp thời thì việc thông tin, báo cháy nhanh nhất đến lực lượng Cảnh sát phòng cháy có ý nghĩa rất quan trọng.
Phương án tiếp nước để phục vụ chữa cháy phải tận dụng được thời điểm "5 phút vàng" ban đầu khi đám cháy chưa bùng phát lớn, để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Thiết bị truyền tin báo cháy là một thiết bị kỹ thuật được tích hợp, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng.
Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy cần phải được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở và địa phương. Vì vậy, luật chưa yêu cầu tất cả các công trình phải có thiết bị truyền tin báo cháy.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, luật mới quy định phải đảm bảo đủ các điều kiện như với nhà ở thông thường, kèm theo khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy nổ phải ngăn cách với khu vực để ở; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ.
Bên cạnh nội dung trên, dự luật cũng quy định về điều kiện phòng cháy của các cơ sở sản xuất kinh doanh; đối với phương tiện; lực lượng chuyên trách và lực lượng huy động trong tình huống phòng cháy và cứu nạn.
Nhà nước quyết định quyền khai thác khoáng sản chiến lược
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, quy định Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư và tổ chức thăm dò khoáng sản chiến lược; quyết định việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng; cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản chiến lược theo thỏa thuận quy định trong hiệp định liên Chính phủ.
Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm đất hiếm, khoáng sản phóng xạ, kim loại hiếm, kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, nickel), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.
Tính chất chung của khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng là có giá trị kinh tế và nhu cầu cao trên toàn cầu. Các loại khoáng sản này thường trữ lượng hạn chế và khai thác phức tạp. Rất nhiều khoáng sản trong danh mục này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao như pin lithium-ion, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Các địa phương có khoáng sản được khai thác sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ hoạt động này để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Người dân địa phương cũng được ưu tiên tuyển dụng vào các vị trí làm việc trong các dự án khai thác khoáng sản.
Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định mức đóng góp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp này còn có trách nhiệm đào tạo lao động, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và bồi thường thiệt hại. Khi dự án kết thúc, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng cửa mỏ và khôi phục lại môi trường.