Tôi từng là một giám đốc nhân sự cho nhiều công ty lớn trong nước. Lý thuyết cũng như quan điểm của các câu lạc bộ CEO đều xem khoản chi phí bỏ ra cho nguồn nhân lực của tổ chức là một khoản đầu tư chứ không phải là chi phí.
Tuy nhiên, khi tình hình khó khăn thì hầu hết các chủ doanh nghiệp đều cắt giảm nhân sự và các khoản lương thưởng phúc lợi dành cho nhân viên là điều làm đầu tiên? Phải chăng đây là khoản dễ cắt giảm nhất mà khỏi phải tính toán?
Theo tôi các tập đoàn hay công ty lớn của nhà nước cần xem xét lại các khoản mục như sau:
1. Cơ cấu tổ chức cồng kềnh và rất thừa nguồn nhân lực của các phòng ban, bộ phận, nhất là nơi chuyên trách công tác đoàn thể chính trị. Công tác này nên kiêm nhiệm để giảm bớt biên chế và kinh phí nhân sự cũng như các chi phí vật chất khác kéo theo.
2. Việc sử dụng chi phí hành chính và văn phòng phẩm rất lãng phí vô tội vạ. Nên khoán thu nhập của từng phòng ban bộ phận cùng với hành chính phí.
3. Chi phí tiếp khách, quan hệ, lễ tân, khánh tiết, hội họp cần có định mức từ người quản lý đầu ngành đến các cấp có liên quan để khống chế tối đa và phải làm kiên quyết. Có những vị lấy chi phí này nhằm mua mối quan hệ cho riêng cá nhân mình chứ không phải vì công ty/tập đoàn.
4. Kiểm tra giám sát có chế độ thưởng phạt cũng như phát động các phong trào thực hành tiết kiệm điện nước, sử dụng trang thiết bị văn phòng (nhất là máy lạnh)
5. Cắt giảm tối đa xe công, nhìn lại các tập đoàn công ty tư nhân xem ai được đi xe công, định mức xăng dầu thế nào để học tập và thực hiện cắt giảm khoản chi phí đáng kể này.
6. Kiện toàn bộ máy cơ cấu tổ chức, xem xét đánh giá lại năng lực toàn thể nhân viên để tinh gọn biên chế (thậm chí đây là biện pháp hữu hiệu lâu dài). Sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả và trả lương cao để thu hút nhân tài còn hơn là cắt xén lương bổng phúc lợi để bộ máy cồng kềnh và "chết yểu".
Tôi thấy rất nhiều người đi làm cũng một diện tích không gian, cũng máy tính bàn ghế văn phòng phẩm điện nước, cũng một suất lương... nhưng sáng xách cặp đi chiều xách cặp về chứ chẳng được việc gì cho tổ chức cả.
Một số thiển ý đóng góp của tôi trên tinh thần là người từng làm công tác tổ chức lâu năm cho các công ty nhà nước/tư nhân trong và ngoài nước. Tôi hy vọng có thể đóng góp một phần cho sự ổn định và phát triển của các công ty nhà nước.
Nguyễn Huy Quang