Chị Thạch kể, mấy năm trước, khoảng thời gian này hai vợ chồng đã tất bật chuẩn bị sắm Tết, quà biếu hai bên nội ngoại, nhưng năm nay vẫn "án binh bất động". "Giờ vẫn phải lo những khoản thiết yếu hơn như tiền ăn uống hằng ngày, tiền thuốc cho con, tiền nhà hằng tháng..., lấy đâu ra mà sắm sửa", chị Thạch bày tỏ.
Chị cho biết, mọi năm sắp Tết, chị thường đổi vài triệu tiền lẻ để biếu mẹ đẻ và mẹ chồng cho các cụ đi chùa, mừng tuổi các cháu. Ngoài ra, khi về quê, vợ chồng chị cũng không quên biếu thêm tiền mặt các cụ rồi mua mỗi nhà vài bịch bánh kẹo - toàn những loại ngon, đắt tiền ở quê không có. "Năm nay, những khoản đó cắt hết", bà mẹ hai con chia sẻ.
Chị Thạch cho biết, từ năm ngoái, việc kinh doanh của cơ sở sản xuất do chồng chị làm chủ bế tắc, nên mọi khoản thu chi trong nhà một mình chị phải cáng đáng. "Lương tháng nào hết tháng đó nên chẳng có khoản tích lũy nào. Thưởng tết cũng cắt nốt nên có muốn 'oai' khi về quê cũng đành chịu", chị thổ lộ.
Cũng rơi vào khó khăn chung như nhiều gia đình khác, anh Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán khi có người hỏi về chuyện sắm Tết.
Vợ anh bị giảm lương, đang 6 triệu còn gần 3 triệu một tháng nên phải bán đồ ăn sáng để kiếm thêm. Bản thân anh cũng không khá hơn, đang bị cơ quan nợ lương 2 tháng. Anh chị còn vừa phải nuôi con nhỏ, vừa thuê nhà. Tháng trước, anh Tùng cũng rao làm thêm kế toán thuế ở nhà để "có tiền về ăn Tết" nhưng cũng không nhận được mấy đặt hàng.
"Hôm qua thấy vợ lên mạng tìm mua quần áo thanh lý cho con mà đắng lòng quá. Cô ấy bảo cả dịp này cũng phải để con diện đồ đẹp, nhưng ra cửa hiệu thì quá đắt, nên vào các trang diễn đàn tìm xem có ai bán lại đồ còn mới không", anh Tùng chia sẻ. Từ hôm qua, vợ chồng anh đã bắt đầu tìm người thuê chung chuyến xe về Nam Định dịp Tết để bớt chi phí đi lại.
Sau mấy năm làm nên ăn ra, nhưng năm nay, gia đình chị Kim (Hoàng Đạo Thành, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh khó. Vì thế, vợ chồng chị chủ trương "ăn Tết đạm bạc".
Chị Kim cho biết, chồng chị vốn làm trong ngành bất động sản, mấy năm trước thu nhập khá cao nên cả gia đình tiêu tiền cũng phóng tay. Cách đây 2 năm, anh tậu được ô tô, đưa vợ con về ăn Tết với bánh kẹo, thịt lợn mán, đào, mai chất đầy. Khi đó, các cháu, em đến chơi đều được mừng tuổi hậu hĩnh tiền trăm. Bố mẹ hai bên cũng được sắm sửa nào máy giặt, lò vi sóng mới...
Năm nay, chồng chị làm ăn thua lỗ, càng đến cuối năm càng nhiều chỗ gọi điện, tìm đến siết nợ. Bản thân chị lương chỉ đủ lo cho bản thân, nên cả nhà rơi vào thế bí.
"Nhà mình đang tính có lẽ không dám về quê Tết này. Mấy ngày đó ăn gì, mặc gì cũng không còn quá quan trọng, nhưng về quê 'tay không' thì không được, mà cố sắm sửa thì không kham nổi", chị Kim bộc bạch.
Đã mua được nhà Hà Nội và ông xã cũng vẫn thu nhập ổn định nhưng Tết năm nay, chị Thuận (Lĩnh Nam, Hà Nội) cũng không dám chi tiêu thoải mái như mọi năm.
Chị Thuận mới sinh con thứ hai được chưa đầy hai tháng. Hai tuần trước, bé bị bệnh phải nằm điều trị tới 10 ngày và tốn gần 20 triệu khiến vợ chồng chị lao đao. "Tết đến rồi lại đi, có nhiều thì tiêu nhiều, có ít cũng vẫn xong, quan trọng nhất vẫn là dành dụm để chăm lo cho các con", chị Thuận nói.
Chị cho biết, nhiều bạn bè, người thân của chị năm nay cũng chia sẻ sẽ ăn Tết tiết kiệm vì ngân sách eo hẹp và lo lắng cho tương lai chưa thấy dấu hiệu khả quan. Theo lời chị, những năm trước dịp này nhiều ông bạn chồng còn đến rủ hay nhờ anh tư vấn mua TV và các đồ điện tử mới nhưng năm nay vẫn im hơi lặng tiếng.
"Ông bà nội ngoại hai bên cũng bảo Tết này miễn 'lễ' cho bọn mình rồi, chỉ cần vợ chồng con cái đến ăn bữa cơm đoàn tụ là được. Ở nhà mình cũng chỉ mua ít đồ ăn, hoa quả thôi, các thứ trang trí bỏ hết", chị nói.
Dù vậy, chị Thuận vẫn cho rằng, Tết vui hay không không nằm ở việc sắm được nhiều hay ít, mà quan trọng ở ý nghĩa tinh thần. "Trong cái khó, mọi người lại thấy gần nhau thêm. Năm nay eo hẹp thì ăn Tết thanh đạm, khi nào sung túc thì lại thoải mái hơn. Tết thì năm nào chẳng có", người mẹ trẻ bày tỏ.
Vương Linh