"Như vậy là không nhân văn. Đây cũng là dùng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự", Phó đoàn Trà Vinh Thạch Phước Bình nói tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, sáng 27/11.
Điều 34 dự thảo luật quy định chính quyền các cấp TP Hà Nội được áp dụng biện pháp ngăn chặn và yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm là công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy nếu trước đó đã bị lập biên bản hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Thạch Phước Bình, biện pháp cưỡng chế này được quy định lần đầu trong Nghị định 180/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Sau đó, nhiều cơ quan đề nghị bổ sung nội dung vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận.
"Tôi cho rằng không nên quy định biện pháp này vào dự luật vì sẽ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người, ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính", ông nói.
Phó đoàn Trà Vinh nói các cơ sở sản xuất kinh doanh phải bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động, như buồng tắm, vệ sinh; phương tiện kỹ thuật y tế để sơ cứu, ứng cứu khi xảy ra sự cố kỹ thuật. Những công việc này cần sử dụng điện, nước. Do đó, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm mà bị cắt điện nước là vô hình chung đẩy người lao động ra khỏi sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu này.
"Nếu cơ quan soạn thảo cho rằng cắt điện nước sẽ đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất kinh doanh thì sao không áp dụng trực tiếp hình thức này mà phải thông qua cắt điện nước", ông Bình nói, lo ngại một bộ phận nhà xưởng sẽ dồn người lao động vào khu vực không bị cắt điện nước khiến tình trạng ô nhiễm tiếp diễn, thậm chí có thể phát sinh tình trạng câu điện lậu gây nguy cơ cháy nổ.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, pháp luật hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu đối với các vi phạm về xây dựng, ô nhiễm môi trường, như đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nếu việc áp dụng các biện pháp này không có nhân lực thanh tra, kiểm tra, ông kiến nghị gia cố khâu tổ chức, thi hành pháp luật.
Có quan điểm ngược lại, đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) lại đồng tình với quy định này. Ông Tám cho rằng với đặc thù vị trí, vai trò, Thủ đô tập trung lượng rất lớn cư dân và khách du lịch nên có yêu cầu cao về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Biện pháp này chưa phù hợp áp dụng quy mô cả nước, nhưng với đặc điểm của Thủ đô, quy chế mạnh và đặc thù như vậy để ngăn chặn vi phạm là phù hợp", đại biểu Tám nói.
Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với đại biểu Thạch Phước Bình, cho rằng khi áp dụng các biện pháp cắt điện, nước phải đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân có quyền và lợi ích liên quan. Ông đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét áp dụng biện pháp này với một số lĩnh vực đặc thù; áp dụng đối với cơ sở, công trình đã bị lập biên bản hoặc xử phạt rồi nhưng không chịu khắc phục.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết quy định xử phạt vi phạm hành chính không có hình thức yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Nếu quy định trong Luật Thủ đô như vậy, các biện pháp này không có cơ chế pháp lý cụ thể, không phù hợp Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hà Nội có thể được giao nhiều quyền hơn nhưng cũng không thể đưa ra cơ chế chưa có trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Biện pháp cắt điện, nước có thể ảnh hưởng nặng nề đến người dân sinh sống, tạm trú, thuê căn hộ trong các công trình vi phạm như chung cư, tòa nhà văn phòng cho thuê.
Bộ Công an cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ biện pháp ngăn chặn này và quy định cụ thể trong luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các trường hợp áp dụng để có cơ sở triển khai, áp dụng trong thực tiễn.
Đầu tháng 9, báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội lý giải hình thức cắt điện nước với các công trình vi phạm trước đây được nêu trong Nghị định 180 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003. Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định này nên gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.
Dự kiến Luật Thủ đô sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.