Lê Kiều Khánh Linh vừa tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Khi còn chưa nhận bằng, cô được Đại học Myongji (thành phố Yongin, Hàn Quốc) trao học bổng trị giá hơn nửa tỷ đồng (30.000 USD) cho bốn kỳ học thạc sĩ cờ vây. Từng dự tính du học chuyên ngành khác, lại đang được bố mẹ sắp xếp việc làm, cô gái 9X bất ngờ rẽ ngang sang học cờ vây - ngành khá mơ hồ để có công việc tốt tại Việt Nam.
"Quyết định hơi khác người của em khiến gia đình ngỡ ngàng. Một số người còn nghĩ em đùa. Nhưng sau khi em chia sẻ nghiêm túc rằng mỗi người đều có mơ ước, mục tiêu riêng, ở thời điểm này em muốn được học tập, phát triển bản thân trước khi bắt đầu làm việc, mọi người có vẻ bị thuyết phục", cô chia sẻ.
Linh cho biết đến với cờ vây từ khi học lớp 5 bởi yêu thích bộ truyện "Hikaru - Kỳ thủ cờ vây". Lần đầu cầm những quân cờ mà trước đó chỉ thấy trong truyện, Linh vô cùng phấn khích. Cô cảm thấy vui khi nhìn thấy một ván cờ, thế cờ, hay mọi người cùng chơi cờ. Môn thể thao trí tuệ cũng giúp cô rèn luyện sức tập trung, trí nhớ, có thêm nhiều bạn. Linh từng tham gia 3 giải cờ vây quốc gia, một giải quốc tế và đứng thứ 9 tại giải quốc gia năm 2013.
Để có được sự ủng hộ của gia đình cho theo đuổi cờ vây, Linh phải đảm bảo việc chơi cờ không ảnh hưởng đến học tập. Đây là khó khăn lớn nhất của cô bởi dù cờ, hay học, đều cần nhiều thời gian, tâm sức. Nữ sinh 9X đặt ra nguyên tắc, hoàn thành việc học trước, sau đó mới đến những việc khác, kể cả cờ.
Việc đỗ vào Đại học Ngoại thương - ngôi trường thuộc top đầu cả nước về chất lượng đào tạo - giúp Linh có thêm điều kiện để học cờ vây, cũng như nhận được sự đồng thuận từ gia đình. Cô nhiều năm liền đứng thứ hạng cao về thành tích học tập trên lớp, đạt loại A cho khóa luận tốt nghiệp cùng danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa.
"Khi đang phân vân giữa lựa chọn xin việc và theo đuổi đam mê, em được một người bạn giới thiệu học bổng đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành cờ vây tại Hàn Quốc. Em đã rất vui và tìm mọi cách để liên lạc với Đại học Myongji xin học bổng", Linh chia sẻ.
Những ngày chờ thư hồi âm với nữ sinh Đại học Ngoại thương khi ấy dài đằng đẵng. Sau 9 ngày gửi email không thấy tin tức, Linh tuyệt vọng, nghĩ cơ hội đã trôi đi. Đúng lúc ấy, Đại học Myongji đề nghị em gửi CV cùng kế hoạch học tập.
"Em đã rất hạnh phúc nhưng cũng đầy lo lắng vì phải vạch ra định hướng, chiến lược học tập cho bản thân. Mất hơn 4 tháng em mới hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ và thủ tục nhập học", cô gái Hà Nội cho biết. Trước đó, Linh có một năm học tiếng Hàn và tham gia hoạt động do câu lạc bộ cờ vây Việt Hàn tổ chức.
Tháng 5/2016, khi đang làm khóa luận tốt nghiệp, nữ sinh Đại học Ngoại thương nhận được học bổng hỗ trợ tối đa tiền học phí, phí sinh hoạt cho 2 năm đào tạo thạc sĩ chuyên ngành cờ vây của Đại học Myongji. Đây là trường duy nhất trên thế giới hiện có chương trình đạo tạo ngành học này. Linh cũng là nữ sinh Việt Nam đầu tiên được Myongji trao học bổng về cờ vây học.
"Trước đây, nhiều khi em cũng bỏ quên, chưa chăm chỉ học cờ. Giờ thì em sẽ cố gắng hơn nữa", Linh dí dỏm tâm sự.
Sang xứ sở kim chi học được một tháng, nữ sinh người Việt "cảm thấy rất tuyệt" bởi được tham gia các lớp học trên những bàn cờ vây, các học viên đều giỏi, thân thiện. Dù hàng ngày phải đi bộ cả tiếng từ ký túc xá tới lớp học, nhà ăn, siêu thị, chưa kể việc leo dốc rất mệt, Khánh Linh vẫn vui sướng khi được tới đất nước phát triển về cờ vây để được học thêm kiến thức, theo đuổi đam mê.
Chưa có dự định về công việc tương lai, song cô gái bằng đỏ của Đại học Ngoại thương muốn thử sức trong lĩnh vực cờ vây và cố gắng phát triển môn này ở Việt Nam.
Quỳnh Trang