Ngày 14/8, nữ diễn viên đóng thế Joi “SJ” Harris tử nạn trên trường quay Deadpool 2 do đâm môtô vào tòa nhà. Sự kiện nối dài chuỗi những tai nạn trong giới cascadeur ở Hollywood gần đây.
Tháng 7, một diễn viên đóng thế của series The Walking Dead thiệt mạng do ngã xuống bê tông. Trên trường quay The Expendables 2, một cascadeur qua đời bởi vụ nổ. Ngoài ra, các đoàn phim The Lone Ranger, G.I. Joe: Retaliation và Silence cũng có người đóng thế thiệt mạng.
Theo Telegraph, mỗi năm có khoảng 20-40 người tử vong trên phim trường ở Mỹ, cao hơn cả các ngành cảnh sát, xây dựng đường bộ hay khai mỏ. Marin Spence - phó tổng thư ký BECTU, công đoàn ngành giải trí - nói: "Chúng tôi nghi ngờ còn nhiều tai nạn không được trình báo, đặc biệt trong các phim kinh phí thấp".
Dù may mắn thoát chết, người gặp nạn có thể bị chấn thương nặng. David Holmes - người đóng thế cho Daniel Radcliffe trong series Harry Potter - bị liệt vĩnh viễn từ cổ trở xuống sau tai nạn khi diễn tập. Trong khi đó, nữ cascadeur Anh Olivia Jackson gặp chấn thương trên trường quay Resident Evil: The Final Chapter. Cô đâm vào một cần trục bằng kim loại, bị chấn thương mặt, gãy nhiều xương, hôn mê 17 ngày và phải cắt bỏ tay trái.
"Cuộc sống thú vị của người tàn tật... mỗi ngày cố vận động cổ và ngực một giờ, rèn luyện phần còn lại của cơ thể, uống thuốc giảm đau thần kinh, gặp bác sĩ, ngủ và lặp lại. Thật chán ngán và chắc chắn không phải cuộc sống sôi động mà tôi thường có", Jackson từng chia sẻ trên trang cá nhân.
* Cascadeur nhảy khỏi máy bay trong "The Dark Knight Rises"
Một nhà sản xuất giấu tên chia sẻ trên Telegraph về nguy hiểm trên trường quay: "Ngay cả trong cảnh hai người đi lại, hiện trường cũng có nhiều thiết bị điện, đèn nóng, thang, những vật nặng treo lên và những thứ có thể gây vấp. Trong phim kinh dị hay kịch tính còn có thêm vũ khí, chất nổ, chất hóa học, tiếng ồn, cần trục hay trực thăng". Đoàn phim luôn chịu áp lực về tiền bạc cũng như thời gian. Đồng thời, hầu hết nhân viên hoạt động freelance (làm việc theo kiểu tự do) trong thời gian có hạn, thường thay đổi ê-kíp qua những dự án khác nhau.
Câu hỏi về việc đảm bảo an toàn cho những người hùng thầm lặng trong phim từ lâu đã được đặt ra. Theo một nguồn tin của Deadline, ê-kíp Deadpool 2 phải làm việc đến 16 giờ mỗi ngày, bao gồm cả ngày cuối tuần. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của hãng Fox phủ nhận điều này và khẳng định lịch quay chỉ khoảng 12-13 giờ mỗi ngày.
Đây không phải lần đầu tiên một ê-kíp Hollywood bị cho là cố quay gấp rút để rồi xảy ra tai nạn. Năm 2015, hai phi công Alan Purwin và Carlos Berl của đoàn phim American Made tử nạn do máy bay rơi ở Colombia. Gia đình Purwin đưa đơn kiện việc sử dụng Berl - một phi công chưa được cấp phép để lái loại máy bay gây tai nạn. Trong khi đó, gia đình Berl cho rằng đoàn phim đã hối thúc anh bay về để kịp tiến độ, bất chấp thời tiết khó lường.
"Hành động đó xâm phạm sự an toàn bởi các nhà sản xuất cho phép việc bay vội vã và không an toàn để tiết kiệm tiền", đơn kiện ghi. Hiện tại, vụ việc vẫn trong quá trình điều tra.
* Jackie Chan tự diễn cảnh té lên đống than
Theo Deadline, một nguyên nhân khác là bởi nhiều thành viên đoàn phim ngại nói về chuyện đảm bảo an toàn trên trường quay. Nhiều người chọn cách im lặng thay vì phàn nàn vì không muốn bị thay thế bởi những người sẵn sàng chiếm công việc của họ.
Theo trang Job Monkey, lương trung bình của cascadeur ở Mỹ là 70.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này không cố định mà phụ thuộc vào số phim được mời. Một nhân viên giấu tên chia sẻ trên Telegraph: "Làm phim là một thế giới kỳ lạ, thể chất và tâm lý luôn căng thẳng. Trong tám đến mười tuần, đạo diễn chỉ huy diễn viên và ê-kíp, đôi khi ở những địa điểm xa xôi. Lời nói của họ là luật pháp. Nếu họ muốn ai đó làm chuyện điên rồ, thật khó để người đó phản đối".
Năm 2015, đạo diễn Randall Miller là nhà làm phim đầu tiên bị kết án tù do liên quan đến cái chết trên trường quay. Anh bị kết tội ngộ sát trong tai nạn của trợ lý quay phim Sarah Jones trên trường quay phim Midnight Rider. Miller khuyến khích ê-kíp thực hiện một cảnh nguy hiểm ngoài dự tính ở một đường ray. Khi xe lửa lao đến, Jones lo thu dọn thiết bị và bị đâm phải.
Trong lá thư gửi Los Angeles Times, William Hurt - diễn viên chính của phim - khẳng định từng hỏi nhà sản xuất xem ê-kíp có bao nhiêu thời gian để rời khởi đường ray nếu xe lửa bất ngờ xuất hiện. "Nhà sản xuất nói là 60 giây. Tôi bảo 60 giây là không đủ nhưng chẳng ai ủng hộ tôi. Và rồi xe lửa xuất hiện, chúng tôi có chưa đến 30 giây để thoát ra", Hurt chia sẻ.
Sau cái chết của Jones, gia đình cô cổ vũ việc các thành viên đoàn phim lên tiếng nếu thấy không thoải mái về sự an toàn hay sức khỏe. Tuy nhiên, cây bút Adam White của Telegraph cho rằng điều này không dễ được thực hiện. Trong ngành công nghiệp phim ảnh, nơi công việc của những người đóng thế vẫn còn bấp bênh, thật khó để một cá nhân lên tiếng bởi có thể làm chậm quá trình sản xuất và khiến cấp trên phật lòng.
"Do bản chất của chuyện làm freelance, không ai muốn trở thành kẻ gây rối. Nhưng những người dám từ chối trước nguy hiểm xứng đáng được khen ngợi. Có những nhà sản xuất ngốc nghếch, nhưng cũng có những người tử tế sẽ tôn trọng điều đó", Martin Spence nói.
Ở Việt Nam, các diễn viên đóng thế cũng từng gặp nhiều tai nạn. Năm 2015, cascadeur Nguyễn Giàu tử nạn sau cú ngã trên trường quay phim Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc. Năm 1995, cascadeur Đức Thịnh suýt mất mạng khi dây treo anh bị đứt trong lúc đóng Hồng hải tặc. Khi tham gia phim truyền hình Huyền thoại 1C, cascadeur Tuấn Anh bị bỏng nặng khi ba quả mìn trên trường quay phát nổ. So với nước ngoài, thu nhập cũng như mức độ bảo vệ cho diễn viên đóng thế Việt Nam còn kém xa. |
Ân Nguyễn