Lần đầu tiên sau 46 năm, người Mỹ mới có đại diện tranh ngôi vua cờ. Tại Reykjavic năm 1972, Bobby Fischer thách đấu cao thủ người Nga Boris Spassky trong trận đấu hấp dẫn bậc nhất làng cờ thế kỷ 20. Cuộc chiến đó không chỉ gói gọn trong giới cờ, mà còn phản ánh cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Kỳ thủ người Mỹ đã thắng với tỷ số 12,5-8,5 qua 21 ván cờ, soán ngôi Spassky. Fischer giữ danh hiệu cho đến năm 1975, khi ông từ chối dự trận bảo vệ ngôi vương.
Tại London 2018, ý nghĩa của trận đấu giữa Magnus Carlsen và Fabiano Caruana không còn quan trọng như 46 năm trước. Nhưng đây là cơ hội để người Mỹ chứng minh sức mạnh ở môn thể thao trí tuệ. Năm 2016, họ vô địch Chess Olympiad (giải cờ đồng đội thế giới) sau 40 năm chờ đợi. Chỉ mất hai năm, Mỹ lại có Caruana thách thức Carlsen.
Carlsen giống như "LeBron James của cờ vua". Kỳ thủ người Na Uy đang giữ kỷ lục về Elo cao nhất lịch sử, đứng trên đỉnh FIDE nhiều năm qua. Anh soán ngôi vương của Viswanathan Anand năm 2013, khi chưa tròn 23 tuổi. Một năm sau, anh bảo vệ thành công chức vô địch với huyền thoại Ấn Độ. Đến năm 2016, Carlsen bị kỳ thủ người Nga Sergey Karjakin thách thức. Hai người hòa nhau sau loạt cờ tiêu chuẩn, nhưng Karjakin gục ngã ở loạt tie-break cờ tốc độ.
Carlsen đang trên đường trở thành kỳ thủ tài năng nhất mọi thời đại. Anh sở hữu nền tảng khai cuộc đa dạng, sẵn sàng thử nghiệm mọi biến. Carlsen không kém bất cứ ai về khả năng tính toán và chiến lược ở trung cuộc. Còn ở tàn cuộc, Vua cờ 28 tuổi là số hai thì không ai dám nhận số một.
Cửa thắng của Carlsen luôn cao hơn đối thủ, nhưng lần này chênh lệch không còn lớn. Caruana bước vào nhóm cao thủ thế giới kể từ Sinquefield Cup 2014. Khi đó kỳ thủ 26 tuổi thắng liền bảy ván đầu tiên, kết thúc giải với hiệu suất thi đấu cao nhất lịch sử: 3103. Đó là Elo thường thấy ở những siêu máy tính có khả năng tính toán hàng triệu biến mỗi giây.
Tháng 3/2018, Caruana vô địch giải Thách đấu (Candidates) với cách biệt một điểm. Khi đó cách biệt giữa anh và Carlsen là 59 điểm Elo. Nhưng trước trận tranh ngôi Vua cờ, khoảng cách giữa hai cao thủ chỉ còn 3 Elo - cách biệt nhỏ nhất lịch sử những trận vô địch thế giới.
Caruana được cho là nhỉnh hơn Carlsen trong khai cuộc, nhất là khi anh cầm trắng. Trí nhớ các biến khai cuộc của anh có thể không đa dạng như Carlsen, nhưng kỳ thủ người Mỹ lại nhớ sâu hơn ở những biến đặc biệt. Đến nỗi làng cờ thế giới có luật bất thành văn: Bất cứ ai chọn phòng thủ Scilia (cầm đen đi tốt c7-c5 sau khi trắng đi tốt e2-e4) gặp Caruana, họ sẽ thất bại. Ngay cả Carlsen cũng không muốn mạo hiểm với điều đó.
Caruana còn có xu hướng kiểm soát khu trung tâm, ngay cả khi phải thí tốt hay chịu bị tấn công thành. Người thách đấu trội về tính toán hơn là xây dựng chiến lược, trong khi Carlsen là kỳ thủ toàn năng. Caruana bình tĩnh và điềm đạm như nước, còn Vua cờ dữ dội và hiếu chiến như lửa. Tất cả hội tụ thành trận đấu được mong đợi bậc nhất lịch sử cờ vua.
Ở lễ khai mạc hôm qua 8/11, hai cao thủ bốc thăm chọn màu quân. Caruana sẽ cầm trắng ở ván đầu tiên. Nếu thắng, anh sẽ tạm thời chiếm vị trí số một thế giới (theo hệ số Elo) - nơi Carlsen đã ngự trị hơn bảy năm qua.
Xuân Bình