Trần Thị Hậu (26 tuổi) mở cửa đón chồng vào nhà ở tổ Phú La, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội giữa cơn mưa rả rích, với một nụ cười tươi. Hàng ngày, Thịnh đi bán những gói tăm bông, bút bi, kẹo bánh... từ sáng sớm, rồi trở về nhà khi trời nhập nhoạng tối với túm thức ăn be bé trên tay.
Thịnh vào bếp nấu cơm bằng chiếc bếp gas cũ - vật dụng có giá trị nhất trong nhà. Chờ cơm chín, Thịnh tới chơi với con, còn vợ rảnh tay mở điện thoại xem tin tức. Bất giác cô thấy ảnh gia đình mình được đăng trên mạng xã hội bởi một người không quen biết, phía dưới là hàng trăm bình luận: "Đẻ con ra khổ cho con".
Sững sờ vì những lời nói cay độc, bữa cơm của hai vợ chồng chìm trong im lặng. Đứa trẻ hai tuổi như cảm nhận được nỗi buồn của bố mẹ nên không quấy như mọi ngày.
"Từ khi con gái được sinh ra, hai vợ chồng chưa hết vui mừng đã phải nghe nhiều lời đàm tiếu. Tôi biết họ thương bé, nên trách bố mẹ đẻ con ra sau này tương lai con sẽ không tốt đẹp vì ngoại hình", Hậu trải lòng.
Dắt con ra đầu ngõ, đưa con đi siêu thị, cho con đi công viên, đến nơi nào cặp vợ chồng đều cao xấp xỉ một mét cũng nhận phải ánh mắt tò mò, trách móc của người xung quanh. Nhưng cách ông bố 25 tuổi quấn quýt với con gái đã làm nhiều người nghĩ lại.
"Bản thân mình lúc đầu cũng có suy nghĩ đổ lỗi cho Thịnh và Hậu, nhưng nhìn người cha trò chuyện với con, bế con đi dạo, cười đùa vui vẻ, mình đã có suy nghĩ khác", chị Dương Thu Hương, người sống cùng tổ Phú La, cho biết.
Năm 2010, Hoàng Văn Thịnh nghỉ học khi đang lớp 10, từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm công việc, chật vật gần một năm từ những cơ sở sản xuất đồ thủ công đến những cơ sở làm nhôm kính. Vì sức khỏe yếu, anh không làm được lâu. May mắn, anh được nhận vào đoàn ca nhạc của một hội từ thiện, với mức sống vừa đủ.
Một ngày mệt mỏi, Thịnh trốn vào một góc sau cánh gà, Hậu vô tình bắt gặp và đến trò chuyện. Hai người nhanh chóng tìm được sự đồng cảm. Chưa bao giờ có người ngồi lại trò chuyện với Thịnh lâu như vậy.
Thời gian sau, Hậu đi theo đoàn từ thiện khác để vào Đắk Lắk, còn Thịnh ở lại với đoàn cũ của mình. Chỉ 2 tháng xa nhau, Thịnh bứt rứt nên quyết định đi theo đoàn của Hậu để được gần gũi cô hơn và chính thức yêu nhau từ năm 2014.
Đầu năm 2015, hai người tổ chức đám cưới và chuyển về Hà Nội sinh sống. Sau khi được bác sĩ tư vấn, họ quyết định có con vào năm sau. Nhiều người nghĩ với cơ thể bé nhỏ của mình, Hậu sẽ rất khó khăn khi mang bầu, nhưng với cô lại suôn sẻ. Em bé ra đời nhờ sinh mổ, nặng hơn 3kg.
"Khi quyết định có con mình cũng đã suy nghĩ và lường trước hết những khó khăn sẽ gặp, nhưng không nghĩ sẽ có nhiều người trách như vậy. Yêu con, mình cố mang lại cho con những điều tốt nhất, nên dần dần vợ chồng cũng ít quan tâm đến lời người ngoài", Thịnh chia sẻ.
Dẫu vậy, vẫn có không ít người chúc phúc cho họ. Người thân ủng hộ, hàng xóm luôn giúp đỡ khi cần, khiến cặp vợ chồng tí hon có thêm động lực.
Hậu từ khi sinh con đã ngưng công việc bán rau, nên kinh tế gia đình chững lại. Còn chồng cô sức khỏe yếu, lại bị viêm phổi, nhưng cũng cố gắng vì vợ con mà đi làm, bất kể mưa nắng. Hàng ngày, anh đi bộ hàng chục km để buôn bán vì không có phương tiện đi lại.
Có lần con sốt giữa đêm không có xe đi, vợ chồng phải gọi cửa hàng xóm để nhờ chở đến bệnh viện. Từ đó, họ luôn phải mua thuốc để sẵn ở nhà cho con.
Ông Trần Quang Dự, phó tổ trưởng tổ dân phố Phú La, cho biết, "hai vợ chồng cậu ấy không được khỏe mạnh như bao người, nhưng chăm chỉ làm ăn, tôi cảm thấy rất khâm phục. Tôi từng chứng kiến những gia đình khác biệt như vậy mà con cái vẫn thành công. Hy vọng gia đình họ cũng vượt lên được số phận và luôn sống hạnh phúc".
Gần Tết, căn nhà vẫn trống hoác, nhưng luôn ấm áp bởi những tiếng nói, nụ cười. Cô bé con mới 2 tuổi nhưng đã nói tốt, ngoan ngoãn và lanh lợi. Cuối năm, vợ chồng Thịnh sẽ cho con đi học mầm non.
Trọng Nghĩa