Thứ năm, 5/12/2024
Thứ ba, 17/9/2019, 12:48 (GMT+7)

Cặp vợ chồng già sống trong căn nhà 2 m2

TP HCMMỗi lần ngủ, ông Tám phải co chân lại, lúc mỏi quá duỗi ra thì cái chân lòi ra khỏi nhà.

Cái hốc nhỏ chưa đầy 2 m2 là nơi trú ngụ hơn 20 năm qua của ông Nguyễn Văn Tám, 92 tuổi, và bà Phạm Thị Ngừng, 88 tuổi, nằm trên đường Đỗ Tấn Phong, phường 9, quận Phú Nhuận.

Nhà sát ngõ, cạnh đường tàu, có nhiều xe cộ qua lại và mọi sinh hoạt đều bó hẹp trong không gian tí hon, nhưng "quen rồi, lại ngại làm phiền con cháu" nên ông bà quyết bám trụ ở đây.

“Vỉ thuốc tui đưa ông hôm qua ông để ở đâu?”, bà Ngừng sờ từng chiếc túi áo, lấy ra sờ thật kỹ từng thứ có trong đó, mặt quay sang hỏi ông Tám. “Bà muốn hỏi cái gì?”, ông Tám đưa sát tai về phía vợ, cố gắng nghe bà nói nhưng phải mất một hồi lâu ông mới nghe ra.

Bà Ngừng mắt mờ không thấy đường, còn ông Tám thì lãng tai, phải nói lớn mới nghe được. Ông thường kể bà nghe những gì mình nhìn thấy, còn bà thì kể lại những gì mình nghe được.

“Vợ chồng tôi ở đây từ trước năm 1975, một thời gian sau Nhà nước lấy đất, đền bù để làm hành lang đường sắt trước mặt, căn nhà nhỏ lại. Sau này tôi bị bệnh nặng, phải bán bớt để chữa bệnh, nên hơn 20 năm qua chỉ còn lại mảnh đất nhỏ xíu này”, bà Ngừng kể.

Nhà quá nhỏ, ông bà lấy miếng ván kê lấn ra ngoài đường để lấy chỗ nằm duỗi thẳng chân. Vậy mà nhiều lúc chân vẫn thò ra khỏi nhà. 

Cái nhà vệ sinh bên cạnh ông cũng lấn ra đường một chút rồi làm. Mỗi lần sử dụng xong, ông bà phải khóa kỹ lại, “nếu không người ta đi ngoài đường thấy cửa mở, vào nhà vệ sinh đi xong rồi không dội dơ lắm”, ông Tám nói.

Vòi nước ngay cửa ra vào là nơi rửa bát và thực hiện hầu hết sinh hoạt thường ngày của hai cụ già.

Không gian nhỏ xíu nhưng hai cụ không quên bố trí bàn thờ, treo giấy mừng thọ. 

Ông Tám có 5 người con, 2 người ở xa, 2 người ở ngay phía trên nóc nhà bố mẹ (đi bằng cầu thang riêng này) và một người con gái ở phía bên kia đường tàu. 

Quá trưa, bà Nguyễn Thị Lài (60 tuổi), con gái ông bà ở nhà chồng bên kia đường ray, bưng mâm cơm sang cho bố mẹ. Bà Lài là người chuyên nấu đồ ăn, giặt giũ quần áo cho bố mẹ hàng ngày.

“Nhà tui anh em ai cũng vất vả làm ăn, cũng không có điều kiện lo cho cha mẹ có chỗ ở rộng hơn, nhìn cha mẹ vậy ai mà không xót, nhưng cũng đành chịu, với lại ông bà khó lắm, chỉ thích ở đây”, bà Lài nói.

Bà Ngừng nằm, ngồi cả ngày trong nhà, rất ít khi đi đâu. Ông Tám thương vợ không nhìn thấy, thỉnh thoảng lại đưa tận tay bà cốc nước hay miếng hoa quả gọt. 

“Muốn mua gì tui nhờ cô Lài, còn ổng mạnh hơn tui, ổng chống gậy đi được, già rồi đi gì cho nhiều”, bà Ngừng nói. Lách qua vợ để đi ra ngoài, ông Tám chống gậy đi ra đầu hẻm nói: “Tui đi mua nước đá”.

Bà  Phạm Thị Xuân Trang, phó chủ tịch phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM, cho biết, gia đình ông bà thuộc diện cận nghèo, được hưởng các chế độ như bảo hiểm y tế 100%, tiền trợ cấp người già, quà của phường, tổ dân phố... “Các con của ông bà đều có lương hưu, nhiều lần đón ông bà về chăm sóc nhưng chỉ một thời gian, ông bà lại quay lại căn nhà nhỏ bởi vì ‘ở đâu cũng không bằng nhà mình’”, bà Trang nói.

Phan Diệp