"Chúng tôi sẽ ở mỗi tỉnh thành vài tháng", Lê Ngọc Hòa, 25 tuổi, nói.
Quyết định này của Hòa được chồng, anh Lê Ngọc Sơn (29 tuổi) ủng hộ nên một ngày đầu tháng 4, họ mang theo một số đồ dùng cơ bản, nhét vừa một chiếc vali 20 kg rời khỏi TP HCM.
Ngọc Hòa lớn lên ở huyện Củ Chi, TP HCM, sang Nhật Bản du học rồi ở lại làm nhân viên kinh doanh cho một công ty bất động sản. Cô gặp và yêu chàng trai Lê Ngọc Sơn quê Thanh Hóa, cả hai kết hôn năm 2021.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Tokyo không dễ chịu. Hòa không có lương cứng, áp lực doanh số khiến chị phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, còn Sơn gần như không có ngày nghỉ khi chịu trách nhiệm quản lý ba tòa nhà của công ty.
Hòa nói có cảm giác sợ đô thị, không thích khói bụi và những chuyến tàu điện đông nghịt người giờ tan tầm. Anh Sơn đồng cảm với vợ nên cả hai quyết định nghỉ việc mở quán ăn Việt Nam ở vùng cách Tokyo 35 km. Khai trương được vài tháng, Hòa phát hiện mình mang thai, dù trước đó cô được chẩn đoán u nang buồng trứng, khó có con. Nhưng từ khi có bầu, Hòa trở nên dễ tủi thân và nhớ Việt Nam quay quắt.
Một lần nữa, cặp đôi lại chạy trốn phố thị, về Củ Chi sinh con. Tháng 7/2022, Cà Pháo chào đời, anh Sơn ở nhà với vợ con được ba tháng. Đến tháng thứ tư, anh tìm được công việc ở quận 1 (TP HCM), cách nhà 40 km, nên chọn cách ở nhờ người dì để tiện đi làm.
Nhớ chồng, cộng với hội chứng trầm cảm sau sinh khiến Hòa khóc nhiều. Anh Sơn cũng áy náy vì không được chứng kiến những thay đổi của con trai Cà Pháo. Cuối năm 2022, Sơn về nhà tâm sự với vợ những áp lực, ngột ngạt ở thành phố. Họ chia sẻ với nhau cảm giác "thèm mùi gió biển" và muốn tìm về cuộc sống bình yên vùng nông thôn. Cặp vợ chồng lên kế hoạch trong ba năm, phải sống ở nhiều tỉnh khác nhau để có trọn vẹn thời gian và trải nghiệm bên con.
Phú Yên được chọn làm điểm đầu tiên. Để làm được điều này, Sơn cật lực tìm công việc làm trực tuyến, còn Hòa thuyết phục mẹ mình.
"Mẹ tôi hỏi có điên không, tại sao có nhà mà không ở, không lo tích lũy tiền bạc?", Hòa nhớ lại. Hơn hết, bà lo cho cháu ngoại chưa đầy một tuổi đã phải lang bạt nhiều nơi, sinh hoạt thiếu thốn.
Để giải tỏa nỗi lo của mẹ, cô tìm thuê một căn phòng rộng 40 m2, có bếp, nhà vệ sinh, nằm trên tầng một của ngôi nhà cách trung tâm thị xã Sông Cầu (Phú Yên) khoảng 300 m. Hai bên lối vào nhà là đồng lúa, khoảnh sân 20 m2 rợp bóng cây, giá thuê 3 triệu một tháng, nằm trong khả năng tài chính của vợ chồng.
Sau Tết năm 2023 ở Thanh Hóa, vợ chồng Hòa trở về TP HCM để Cà Pháo gần gũi bà ngoại thêm một tháng. Đầu tháng 4, hai người xếp hành lý tối giản gồm vài bộ quần áo, cái bàn ăn gấp gọn và máy vắt sữa của Cà Pháo rồi lên đường. Họ dành 50 triệu đồng làm chi phí dự phòng.
Những ngày đầu lạ chỗ, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến Cà Pháo quấy khóc và sốt, vợ chồng thức thay nhau trông con. Nhưng đó là lần duy nhất cậu bé bệnh trong suốt bốn tháng ở Phú Yên.
"Trẻ con được kết nối với thiên nhiên sẽ phát triển tốt hơn", Hòa nói. Mỗi ngày, trừ thời gian làm việc online, vợ chồng cô đưa con ra ngoài nhiều nhất có thể. Những chuyến đi chơi thường bắt đầu từ sáng sớm hoặc sau 15h, khi nắng đã dịu đi. Ngọc Sơn mở điện thoại dò bản đồ nơi có biển, sông, suối và núi rừng để đưa vợ con đi bằng chiếc xe máy mượn của người dân địa phương.
Lần đầu tiên thấy biển, sóng đánh vào bờ tung bọt trắng xóa, Cà Pháo sợ, nhảy lên đòi mẹ bế. Hòa đặt chiếc ghế nhựa nhỏ trên bờ cát, cho con chạm từng chân xuống nước. Sau ba, bốn lần như thế, cậu bé bắt đầu thích biển.
Vài tháng sau, vợ chồng Hòa mua thêm lều, võng để cắm trại. Giữa mùa hè, khu rừng thuộc xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu vẫn mát rượi bởi bóng cổ thụ. Họ mắc võng giữa hai cây, cho con chơi ném sỏi, đi chân trần trên đá, vọc nước suối chảy ngang. Hòa mang theo bắp và khoai nướng, chia nhỏ vài mẩu cho Cà Pháo tập ăn thô. Cậu bé khá dễ ngủ, chỉ cần mang theo chăn để ủ ấm, tấm đệm lót dưới gối.
Anh Sơn dạy con bằng những hình ảnh gặp trên đường. Vợ chồng anh thường đến thôn Bình Tây, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, cho Cà Pháo thấy ngựa và dê. Có lần, họ vượt quãng đường 20 km gập ghềnh sỏi đá để đến một triền đồi không sóng điện thoại, trải bạt nằm ngắm trọn bầu trời đầy sao.
Theo Hòa quan sát, Cà Pháo đã thay đổi rất nhiều sau quãng thời gian lang thang cùng ba mẹ. Trước đó, cậu bé đã được ông bà ngoại bảo bọc kỹ, không cho ra ngoài nhiều sợ nắng gió, khói bụi. Từ một cậu bé nhút nhát, Cà Pháo trở nên dạn dĩ, cười và vẫy tay khi gặp người lạ đến chào, không bệnh vặt.
Mỗi tháng, vợ chồng tốn khoảng 14-15 triệu đồng cho chi phí thuê nhà, tã sữa, ăn uống và xăng xe. "Bù lại, chúng tôi có trọn vẹn thời gian bên con", Sơn nói. Anh nói cảm giác hạnh phúc nhất là đã không bỏ lỡ khoảnh khắc con trai lẫm chẫm vịn vào thanh sắt, đi những bước đầu tiên.
Cuối tháng 7, mẹ Hòa nhớ cháu nên họ đưa Cà Pháo về chơi vài ngày. Thấy cậu bé tăng cân, khỏe mạnh, ăn tốt, bà đã yên tâm phần nào. Trở lại Phú Yên, hợp đồng thuê nhà gần hết hạn, vợ chồng Hòa tranh thủ dành hai ngày ở cù lao Mái Nhà, hòn đảo thuộc huyện Tuy An diện tích khoảng 1,2 km2, để lặn ngắm san hô và nghe sóng vỗ.
Cặp vợ chồng trẻ bắt đầu nghĩ đến Lâm Đồng, mường tượng về ngôi nhà nằm vắt vẻo bên triền đồi, hướng ra rừng thông bạt ngàn.
"Trải nghiệm mới là cái làm con người giàu có", Hòa chia sẻ.
Ngọc Ngân