Tháng 2/2019, Vanessa Mapp, 28 tuổi, người Canada cùng chồng Guillaume Perdigues, 30 tuổi, bỗng nhiên trở thành người thất nghiệp do công ty phá sản. Cặp đôi quyết định đi bộ từ Strasbourg (Pháp) qua Australia với đích đến là châu Á. "Chúng tôi có thể tìm kiếm công việc mới nhưng lại chọn đi tìm kiếm một nơi nào đó không có trên bản đồ", Vanessa Mapp giải thích.
Không đồ đạc lỉnh kỉnh, không đặt trước vé máy bay hay phòng khách sạn, hành trang khi lên đường của Mapp là chiếc balo nặng 8 kg với đồ dùng cơ bản, trong khi chồng cô xoay sở với 6 kg quần áo và sách.
Dọc đường đi, họ mua thức ăn đường phố, ở nhờ nhà dân địa phương và đôi khi tự đun nước uống. Mỗi ngày cặp đôi đi bộ trung bình 30 km, nhưng thi thoảng phải dùng đến xe buýt, tàu hỏa hoặc một vài chuyến bay ngắn vì thị thực quá cảnh sắp hết hạn.
"Đi bộ khiến hành trình trở nên thú vị hơn. Chúng tôi đã băng qua biên giới để đến Tajikistan, Uzbekistan, Myanmar... mong hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa và cách thế giới đang vận động", Mapp nói.
Cặp đôi cho biết, những trải nghiệm của họ rất phong phú. Họ từng đi bộ hàng chục km qua các thành phố vắng vẻ ở Tajikistan, nỗ lực vượt Rajasthan, một bang sa mạc ở tây bắc Ấn Độ khi nhiệt độ ngoài trời đến 51 độ C và từng tháo chạy khỏi thành phố Rishikesh của Ấn Độ để thoát khỏi băng đảng ép phải họ phải vận chuyển đá quý sang Nepal.
"Nhưng tồi tệ nhất là chờ đợi để qua biên giới", Mapp nói và nhắc về chuyến hành trình từ Baku (Azerbaijan) đến Kazakhstan. Không có đường bộ, cô và chồng phải đi thuyền chở hàng. Nhưng khu vực bến cảng chờ thuyền không có thức ăn, chỗ ở và nhiệt độ giảm sâu, họ may mắn được tài xế xe tải tốt bụng cho ngủ nhờ ở thùng xe. Sau 30 tiếng lênh đênh trên biển, vợ chồng trẻ đến Kuryk và vội xin nhờ xe đến biên giới Uzbekistan, do thị thực quá cảnh sắp hết hạn.
Trong hành trình, Perdigues nói đồ ăn tại mỗi quốc gia là điểm nhấn, bởi hương vị và cách chế biến mang đậm phong cách vùng miền. Ngoài những món ăn hợp khẩu vị ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Thái Lan, người đàn ông 30 tuổi có cơ hội thưởng thức đồ ăn chế biến từ mọi bộ phận của động vật tại các nước ở Trung Á và Nam Á. "Lần đầu tôi được ăn món tinh hoàn bò ở Uzbekistan hay súp đầu cừu của người Kurd, gần biên giới Syria. Tôi không ngại thử mọi thứ, nếu có thể", anh kể.
Gần một năm di chuyển, cặp đôi đến phía bắc nước Lào và được một gia đình tốt bụng bên sông Nam Ou cho ngủ nhờ. Họ nói những gia đình ở đây không có điện, nước và bữa tối chỉ có ba con cá nhỏ cùng một chút gạo. Muốn đi đến khu vực đông dân cư, cặp đôi buộc phải đi xuyên rừng. Dựa vào ứng dụng chỉ đường, Mapp và chồng đi bộ suốt năm ngày trong khu rừng ẩm ướt, chỉ ăn cơm nếp và một ít trứng mang theo. Sau khi ra khỏi rừng, họ đi dọc theo một con sông và được một cụ bà chỉ đến ngôi làng gần nhất.
"Nhưng may mắn nhất là việc thoát chết thần kỳ sau vụ tai nạn xe", Mapp kể về vụ va chạm giữa xe buýt chở họ và xe tải trong chuyến đi đến Thái Lan cuối năm 2019 khiến nhiều hành khách thiệt mạng. Sau khi bình phục, họ xin làm quản lý cho một nhà hàng tại Bangkok để mưu sinh khi nước này đóng cửa biên giới vì dịch bệnh.
Kết thúc hành trình đi bộ của qua 22 nước trong 12 tháng, Guillaume Perdigues và Vanessa Mapp đang lên kế hoạch đi bộ đến Indonesia, Philippines, Đài Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, khi biên giới các nước này mở cửa trở lại.
"Chúng tôi cũng đặt tham vọng vượt qua eo biển Bering (nơi phân cách châu Á và Bắc Mỹ), bằng đường bộ hoặc đường thủy. Sau đó sẽ đi bộ qua Nga đến Canada trước khi kết thúc chuyến hành trình đúng một vòng trái đất", Mapp chia sẻ.
Phương Minh (Theo Nikkei)