Ngày 14/8/2016, vừa tròn một năm ngày cưới, Hương Linh (1988) và Péter Sas (1986) đã bắt đầu chuyến trăng mật không giống ai. Họ đạp xe đi từ nhà chàng ở thành phố Győr, Hungary về nhà nàng ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam. Trải qua 357 ngày rong ruổi trên đường, hôm 5/8 vừa rồi, cặp đôi đã về đích.
Về nhà hơn một tuần, cặp vợ chồng trẻ vẫn chưa hết cảm giác đang mải miết đạp xe trên đường. Bên cạnh niềm tự hào và hạnh phúc của những người đã hoàn thành một dự án, Linh và chồng cũng có chút hụt hẫng vì không có cung đường nào để chinh phục trong ngày. Trước đây, mỗi buổi sáng thức dậy, “chúng tôi luôn háo hức hôm nay mình sẽ gặp gì trên đường”, Linh nhớ lại.
Chỉ quanh chuyện chọn đường mà nửa năm đầu, cặp vợ chồng trẻ thường xuyên xảy ra những bất đồng nho nhỏ vì mỗi người một cá tính, một sở thích khác nhau.
Khi bắt đầu đến một quốc gia nào đó, cả hai thường lên kế hoạch sẽ đến những thành phố nào, dừng chân bao lâu... Linh là người hướng ngoại, thích những thành phố hiện đại, thích ở lâu tại những thành phố để tìm hiểu văn hóa địa phương, trong khi Péter là người hướng nội, thích về vùng nông thôn, đến những nơi hoang sơ, ít người. Mỗi lần bất đồng như vậy, hai người lại phải tự điều chỉnh bản thân, nhường nhau một chút để không ai bị thiệt thòi.
Đến từ hai nền văn hóa trái ngược nhau, sở thích ăn uống của hai vợ chồng cũng khác biệt. Khi vào quán gọi món ăn, họ thường mất 10 phút để tranh luận, làm sao để chọn món mà cả hai cùng ăn được và vẫn tiết kiệm. Dần dần, mỗi người đều bớt khó tính hơn, món nào cũng có thể ăn và cũng hiểu nhau hơn. Nửa năm sau trên hành trình về nhà ngoại, mâu thuẫn biến mất từ lúc nào không ai hay.
Trước khi quyết định kết hôn, họ cứ tưởng đã hiểu nhau lắm sau 5 năm hẹn hò. Chuyến đi đã giúp họ nhận ra hóa ra trước kia… “mình chả hiểu gì về đối phương”, như lời của Péter. Linh bổ sung lời của chồng: “Sau chuyến đi thì cả hai đã có thể hiểu nhau đến mức chưa cần người kia nói gì cũng đã hiểu. Chúng tôi có thể dễ dàng nhận điện thoại, trả lời phỏng vấn thay cho nhau”.
Sát cánh 24/24h mỗi ngày, họ cũng nhìn thấy rất nhiều những khoảnh khắc đời thường thật nhất của nhau. Đó là sự mệt mỏi vì vận động, xấu xí vì ốm... nhưng cả hai vẫn thấy đó là nét đáng yêu của người ấy. Đạp xe nên ngày nào Linh cũng toát mồ hôi và người ướt sũng, khiến Péter giật mình: “Hóa ra vợ cũng có mồ hôi mà hồi yêu nhau sao không bao giờ anh thấy”.
Trong một năm rong ruổi, hai vợ chồng mỗi người đều trải qua vài ba lần làm bệnh nhân để người kia chăm sóc, nguyên nhân chủ yếu do mất nước và ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, Péter từng phải nằm lại 5 ngày tại một gia đình ở Bosnia, khi họ mới khởi hành được hơn 2 tuần.
Cuối tháng 8, Nam Âu đang trong mùa hè, thời tiết rất nắng nóng. Hôm đó, cặp vợ chồng đạp xe xuống dốc trên quãng đường 13km. Vì xuống dốc, để xe tự trôi nên họ chủ quan, uống ít nước khiến cơ thể vẫn bị mất nước dù không đạp xe. Kết quả, Péter bị suy nhược khi họ đến Ostrozac, một làng quê nhỏ, không ai nói được tiếng Anh và cũng không ai muốn giúp đỡ cặp vợ chồng xa lạ.
Linh phải gõ cửa từng nhà, dùng cách nói bằng tay để hỏi xin sự giúp đỡ. Cô không biết trạm xá, bệnh viện ở đâu, không biết làm sao để đưa chồng đến nơi có bác sĩ. May mắn, cuối cùng cũng có một chị chủ cửa hàng tạp hóa đưa họ về nhà nghỉ ngơi. Sau đó, chị gọi cho một người bạn của mình vì anh này biết tiếng Anh đến giúp đỡ. Anh bạn ngay lập tức bắt xe bus đi mất 3 giờ, đưa Péter đến bệnh viện khám bệnh và về nhà mình chăm sóc.
Trận ốm của Linh ngay sát ngày về Việt Nam thậm chí còn nặng hơn. Bị nhiễm khuẩn hô hấp tại thành phố Trì Châu, Trung Quốc, hai tuần liền, Linh ho liên tục. Nhiều lần đi khám và làm các xét nghiệm nhưng cặp vợ chồng trẻ vẫn không biết Linh dính virus gì. Péter từng nghĩ chỉ cần vợ đỡ bệnh là cả hai sẽ về Việt Nam ngay lập tức.
Các bác sĩ Trung Quốc không nói tiếng Anh còn vợ chồng Linh lại không biết tiếng Trung. Họ đành dùng Google dịch nhưng không chuẩn. Péter lên mạng tìm kiếm và gặp được một giáo viên người Anh có bạn gái người Trung Quốc, đến phiên dịch giúp họ.
Nhờ sự giúp đỡ của người bạn này, việc chữa trị tiến triển nhanh chóng. Để rồi sau khi khỏi bệnh, Linh lại cùng Péter hào hứng đạp xe khám phá Trung Quốc. Ngày 3/8/2017, khi họ đạp xe vào cửa khẩu Hữu Nghị cũng là ngày cuối của hạn visa Trung Quốc.
Lựa chọn đường đi cẩn thận nên cuộc hành trình của cặp vợ chồng khá yên bình. Nếu buộc phải đi qua những vùng đất nguy hiểm như có xung đột, khủng bố, hay nổi tiếng với các nạn cướp giật..., đôi vợ chồng sẽ cho cả xe đạp lên phương tiện công cộng.
Ác mộng lớn nhất của họ chỉ là những tài xế xấu tính trên đường, bấm còi inh ỏi, không nhường đường và cố tình làm vợ chồng cô ngã. Hầu như ở nước nào họ cũng gặp phải những tài xế như thế, dù vợ chồng Linh đã đi sát vào lề đường.
Tổng chi phí "cả năm trăng mật" của cặp vợ chồng trẻ vào khoảng 150 triệu đồng (trung bình 400.000 đồng/ngày). Thường thì họ không mất tiền ngủ, họ ngủ nhờ, cắm trại ngoài sân. Họ cũng thường được người địa phương mời ăn, đôi khi còn được cho tiền theo cách rất thú vị. Một lần, họ hỏi một người Iran cách nạp thẻ điện thoại, anh chàng này lập tức nạp cho họ và nhất định không chịu lấy tiền.
Péter cảm thấy rất may mắn vì có Linh làm bạn đồng hành từ Tây sang Đông. Anh cho rằng trên thế giới này, anh không thể tìm được người bạn đồng hành nào hợp hơn cô. Khi nào cần tìm kiếm người dân, hỏi thăm vấn đề gì đó, Linh sẽ là người giúp anh. Péter thường là người suy nghĩ và thực hiện. “Một Tây, một Đông, hai người kết hợp lại sẽ thành một đội rất mạnh”, Péter nói vui với vợ.
Linh cũng rất vui vì chồng đã thay đổi tích cực sau chuyến đi. Trước đây, Péter khá rụt rè trước đám đông, không dễ bắt chuyện với người lạ nhưng giờ đã có thể tự tin nói chuyện trước nhiều người hay trả lời phỏng vấn của báo chí. Vốn là con út, có hai chị gái, lại có sẵn máy móc trong nhà nên Péter gần như không biết làm việc nhà. Trong chuyến đi phải tự thân vận động, anh đã học và làm tốt nhiều việc đỡ vợ như dựng lều, nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo và viết nhật ký sau mỗi hành trình trong ngày.
Yêu vợ và đất nước của vợ, Péter dự định ở lại quê vợ học tiếng Việt trong khoảng 4 tháng đến 1 năm. Thời gian này, Linh sẽ tìm một công việc tạm thời, cô cũng muốn truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho những bạn trẻ đi du lịch hoặc du học nước ngoài. Sau đó, cặp vợ chồng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành cơ khí (Péter) và công nghệ môi trường (Linh) dự định có thể đến một nước nói tiếng Anh để phát triển sự nghiệp.
Một thống kê về tuần trăng mật đặc biệt của vợ chồng Linh và Péter:
Thời gian: 357 ngày
Số quốc gia đã qua: 13 (Hungary - Croatia - Bosnia và Herzegovina - Montenegro - Albania - Hy Lạp - Iran - Sri Lanka - Ấn Độ - Nepal - Thái Lan - Trung Quốc và Việt Nam).
Quãng đường đạp xe: 11.114 km
Thời gian đạp xe: hơn 700 h
Tổng quãng đường di chuyển: 25.000 km
Số lần thay xích xe: 4
Số lần thủng săm: 8
Số chuyến bay đã thực hiện: 6
Số lần lên báo và truyền hình các địa phương trên đường: 16
Kim Anh
Ảnh: 2bikepackerz