Hai năm trước, khi ở tuổi 50, cặp vợ chồng này đã hạ sinh cô con gái thứ 22. "Đây là lần sinh cuối cùng của tôi", Sue nói. Thời điểm này, họ có 11 con trai và 11 con gái, "đủ để lập hai đội bóng đá".
Sue quen Noel khi cả hai lên 7 tuổi. Họ kết thân với nhau bởi cùng bị cha mẹ ruột bỏ rơi và sống cùng bố mẹ nuôi. Năm 17 tuổi, họ yêu nhau và cũng trong năm đó, Sue mang thai và sinh con đầu lòng. Họ kết hôn khi cả hai đủ 18 tuổi.
Khi được công nhận kỷ lục gia đình đông con nhất nước Anh, nhiều người hỏi: "Nuôi nhiều con như vậy mệt không?". Cặp đôi thú nhận là khá mệt mỏi nhưng họ cảm nhận nhiều niềm vui hơn bởi cuộc sống được sắp xếp rất trật tự.
Đối với một gia đình "khổng lồ" như nhà Radford, chi phí ăn uống là rất lớn, tiền ăn hàng tuần lên tới 300 bảng (9,5 triệu đồng) cho 18 kg sữa, 3 kg nước trái cây, 3 hộp ngũ cốc mỗi sáng, 10 kg thịt gà, 8 kg phô mai và 60 chiếc xúc xích mỗi tối. Đó là chưa tính rau, trái cây và đồ ăn nhẹ.
Mỗi lần mua thực phẩm, họ phải chất đầy 5-6 xe chở hàng trong siêu thị. Chiếc máy giặt 18 kg phải hoạt động liên tục 4-5 lần mới giặt hết được đống quần áo bẩn mỗi ngày và tiêu thụ 30 chai bột giặt mỗi tháng. Ngoài ra, mỗi tuần gia đình này cũng cần ít nhất 24 cuộn giấy vệ sinh.
Dù áp lực kinh tế rất lớn nhưng hai vợ chồng không vì thế mà giảm chất lượng cuộc sống của các con. Ngoài trợ cấp của địa phương và thu nhập từ tiệm bánh mì do Noel điều hành, họ không có nguồn tài chính nào khác.
Dịch Covid-19 bùng phát, cô con gái lớn là một blogger cũng đã tận dụng lợi thế của mình để quảng bá trên Internet và phát triển công việc kinh doanh "take away" (đồ mang đi). Cửa hàng của gia đình Radford có doanh thu tăng gấp đôi.
Bởi chăm chỉ nên gia đình này chưa khi nào bị rơi vào cảnh túng quẫn. Cuối tuần cả nhà thường cùng nhau mua đồ ăn nhẹ rồi ra công viên. Trong những kỳ nghỉ, bố mẹ cũng chuẩn bị những món đồ nhỏ xinh cho các con. Sinh nhật 22 đứa con trong năm, Noel và vợ chưa bao giờ quên, đều tổ chức tiệc ấm cúng.
Chứng kiến cuộc sống êm ấm, trật tự của đại gia đình này, hàng xóm không khỏi thán phục và dành nhiều lời tốt đẹp. Nhưng Sue và Noel cảm thấy họ chỉ đang làm những gì cha mẹ bình thường nên làm. "Trong chăm sóc gia đình và con cái, hai vợ chồng đều hiểu ý và luôn hợp tác với nhau", Sue nói.
Những đứa trẻ nhà Radford nói rằng, dù bận rộn với tiệm bánh tới đâu nhưng ông bố luôn xuất hiện trong mọi hoạt động của gia đình. Mỗi sáng khi Sue bận rộn với bữa sáng trong bếp, Noel đã đánh thức bọn trẻ và giúp chúng chuẩn bị đồ dùng học tập. Sau bữa sáng, ông có trách nhiệm đưa trẻ tới trường. Về đến nhà, Noel lại giúp vợ thay tã cho con út, trước khi đến tiệm.
Chiều đi làm về, ông bố lại đưa con ra sân bóng hoặc đi tập thể dục. Sau bữa tối, Sue phụ trách việc nhà, còn Noel kể chuyện cho từng đứa nhỏ để dỗ chúng ngủ. Cuối tuần, ông cũng sẽ đưa các con đi thể thao ngoài trời, chơi golf, đi bộ đường dài, mạo hiểm ... Theo ông bố này, những hoạt động trên không chỉ rèn luyện cơ thể mà còn mở rộng tầm nhìn.
Nhờ sự hợp tác của cả hai vợ chồng, gia đình này luôn hòa thuận, êm ấm, rất ít khi xảy ra cãi vã giữa các thành viên.
Với sự dạy dỗ của cha mẹ, những đứa con nhà Radford cũng thường giúp đỡ nhau. Anh chị lớn sẽ giúp các em làm bài tập về nhà hoặc cùng nhau chăm sóc thành viên mới ra đời. Ngày nghỉ, lũ trẻ cùng đến tiệm bánh để giúp đỡ bố. Cả nhà cùng nhau cải tạo khu vườn nhỏ ngoài trời hay lắp đặt một bể sục mà bọn trẻ thích. Noel rất chiều vợ, còn lắp một quầy bar nhỏ ngoài trời để mỗi khi làm vườn vất vả, cô lấy nước uống dễ dàng.
Điều cảm động nhất là Alief- thành viên trong gia đình qua đời cách đây vài năm- cũng được bố mẹ và anh chị em tổ chức sinh nhật hay đón Giáng sinh tại mộ của cậu. Nhờ sự quan tâm chăm sóc bình đẳng của cha mẹ, mọi đứa trẻ trong gia đình đều lớn lên trong tình yêu thương.
"Tôi ở với bọn trẻ mỗi ngày và tôi chơi với chúng. Dù mệt mỏi thế nào, tôi vẫn luôn vui vẻ bởi có các con", Noel nói. Ông bố này cũng không quên chuẩn bị những điều bất ngờ cho vợ vào ngày Lễ Tình nhân và ngày cưới, tạo nên khoảng thời gian riêng tư cho hai người.
Vy Trang (Theo Paper)