Mấy tháng nay, người đàn ông 32 tuổi này đi lại như con thoi giữa các tỉnh để lắp đặt nhà yến sau thời gian chững lại bởi Covid-19. Với bốn tốp thợ, họ đi khảo sát, tư vấn, lắp đặt kỹ thuật khắp các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, vợ anh - chị Dương Thị Tròn ở nhà thu mua yến thô để sơ chế, cung ứng cho khách.
Chứng kiến những gì cặp vợ chồng này làm được, người dân trong thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) vẫn chưa hết ngạc nhiên, chẳng khác gì chuyện tám năm trước họ thấy hai người đang là công chức nhà nước ngày ngày đi bán kem và bắp rang bơ... kiếm thêm thu nhập.
Trước khi khởi nghiệp với nghề nuôi yến, Tròn là văn thư của một trường THCS còn Tuấn Anh làm giáo viên thể dục, lương cả hai vợ chồng cộng lại chưa nổi 6 triệu mỗi tháng, trừ các chi tiêu cá nhân chỉ còn dư vài trăm nghìn đưa bố mẹ chồng phụ tiền ăn.
"Có từng này tiền giữ lại mà tiêu, bõ bèn gì mà đưa mẹ", lời mẹ chồng khiến cô con dâu thêm quyết tâm bàn với chồng kiếm việc làm thêm. Hai vợ chồng gom góp được năm triệu mua chiếc máy làm bắp rang bơ - đồ ăn vặt thời điểm đó ở quê chưa ai bán. Hàng ngày, cứ hết giờ làm, cả hai ngồi làm hàng đến 9-10 giờ đêm, kịp buổi sáng hôm sau vợ đi giao các cửa hàng trên đường đi làm. Thời đó, mỗi tháng cặp vợ chồng cũng kiếm thêm dăm ba triệu.
Thời gian sinh con đầu năm 2013, bắp bán được ít nên hai vợ chồng bàn nhau mua máy chế biến kem tươi tại nhà. Công thức nghiên cứu trên mạng, mang máy về, nửa buổi đi dạy, nửa buổi Tuấn Anh bán kem tươi cho học sinh. Thời điểm đầu vốn chỉ quen đứng lớp, không kinh nghiệm buôn bán nên anh vẫn còn thẹn, thi thoảng đùn cho vợ mỗi khi bị khách trêu. Sau quen dần, trong tỉnh cứ có hội chợ, cắm trại.... cặp đôi lại thuê xe ba gác chở máy tới, bán tận khuya. Ngày đi làm rồi bán hàng, tối về hai người lại lụi cụi đếm tiền lẻ, tính toán lời lãi.
"Tôi hay khoe hàng xóm tụi nhỏ làm ăn dữ lắm, suốt ngày thấy ngồi đếm tiền à", bà Mạc Thanh Bình - mẹ đẻ Tuấn Anh cười, nhớ lại thời điểm khởi nghiệp của hai vợ chồng.
Cuối năm 2013, nhận thấy nuôi yến thu lợi nhuận cao, có thời điểm lên tới gần 40 triệu một kg yến thô, hai vợ chồng quyết chí làm giàu. Tuấn Anh nói với vợ "Thời điểm đã đến" rồi mượn sổ đỏ của ông bà nội, vay ngân hàng 700 triệu đồng xây nhà yến rộng 280 m2. Gà chưa gáy, Tuấn Anh đã dậy lắp đặt thiết bị, đóng gỗ dẫn dụ chim về, nửa đêm mới ngả lưng. Tiền cạn, anh đập lợn đất của con trai bù chi phí.
Nhà xây xong, trang thiết bị lắp đặt hoàn tất, bật loa dụ chim lên, hai vợ chồng thấp thỏm từng ngày, xách ghế ngồi mỗi chiều ngóng yến có về không. Khi những cặp yến đầu tiên lượn vòng trên nóc rồi "chui" vào cửa, hai người nhìn nhau mừng phát khóc. Chim về làm tổ ngày một nhiều, hơn một năm sau họ thu hoạch mẻ đầu tiên.
Để tăng thêm thu nhập, sau giờ hành chính, Tuấn Anh đi theo những người xây nhà yến đã có kinh nghiệm, quan sát chiều cao nhà, hướng gió, cách lắp đặt âm thanh dụ chim yến... ghi chép lại các con số. "Quyết tâm thay đổi sẽ chiến thắng", anh nói với vợ trước khi rong ruổi khắp các tỉnh lắp nhà yến cho khách cả đêm và những ngày cuối tuần.
Chồng đi xa, vợ ở nhà thu mua tổ yến, tỉ mẩn dùng nhíp nhặt nhạnh từng mảnh tạp chất, lông chim li ti, lên khuôn mẫu sấy khô rồi bán cho khách. Tối tối, Tròn gửi con cho ông bà nội rồi ngồi nhặt yến đến 11 giờ đêm. Những ngày đầu chưa quen, đau cổ mỏi mắt, vừa đặt lưng xuống giường là chị nằm nguyên một vị trí cho tới sáng vì chẳng còn sức nhúc nhích.
Dù không ít người ở Bình Phước nuôi yến nhưng việc đầu tư xây nhà nuôi rủi ro vẫn cao, bởi xây nhà xong chưa chắc yến đã vào, vào chưa chắc đã làm tổ. Tuấn Anh dành cả tháng quan sát bằng mắt thường, sử dụng thiết bị thử âm dụ chim vào buổi chiều. Kết quả về lượng chim ngày một tăng. Sau khi nhà yến đầu tiên cho thu nhập ổn định, anh xin nghỉ việc và chuyển sang tư vấn lắp đặt thiết bị nhà yến. Thời điểm đó, vợ gần như không gặp chồng vì anh đi từ 4-5h sáng tới khuya.
Lúc sinh bé thứ hai năm 2017, Tròn có lúc rơi vào trạng thái stress. Em bé quấy khóc, thức đêm nhiều khiến chị đau đầu, mất ngủ triền miên, nhiều đêm vừa ôm con vừa khóc vì cảm thấy bất lực. "Nhiều lúc mệt mỏi cũng muốn bỏ ngang. Nhưng nghĩ tới cố gắng trước đó của hai vợ chồng, bỏ không đành nên phải tiếp tục", chị chia sẻ thời điểm khó khăn.
Con thứ hai được 6 tháng, Tròn quay lại công việc rồi xin nghỉ việc, cùng chồng thành lập công ty chuyên cung cấp các sản phẩm từ yến và lắp đặt thiết bị nhà yến cho khách.
Hiện tại hai vợ chồng sở hữu 5 nhà yến, trung bình mỗi tháng thu được 5-10 kg yến thô, với giá 16-18 triệu đồng/kg. Cộng với lắp đặt nhà yến, bao tiêu đầu ra, mỗi tháng vợ chồng thu về lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng. Họ cũng tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân.
"Hai vợ chồng còn thường xuyên xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, người khuyết tật, hỗ trợ bão lụt, phòng chống dịch bệnh ở địa phương", anh Trần Minh Tuấn, bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành cho biết. Năm 2020, cặp đôi được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh là một trong 20 "Gia đình trẻ tiêu biểu" toàn quốc.
Tám năm trước, Tròn từng bàn với chồng kế hoạch "thoát nghèo" từ nổ bắp rang bơ và bán kem thu tiền lẻ, còn hiện tại họ đã mua được mảnh đất rộng 500 m2 ngay đường quốc lộ, nhà cửa xe cộ đầy đủ. Nhìn vào thành quả của mình, hai vợ chồng nói vui rằng, bởi sự chung tình sắt son giống loại chim yến mà họ có được cơ ngơi như thế.
"Sức mạnh đồng thuận ấy giúp gia đình tôi làm nên những điều lớn lao, tưởng như ngoài tầm với", người phụ nữ 32 nói, gương mặt ánh lên vẻ tự hào.
Hải Hiền