Đôi vợ chồng giấu tên, cùng 32 tuổi, sinh sống tại ngoại ô thành phố Hachioji, phía tây Tokyo, thủ đô Nhật Bản. Hai người gặp nhau khi còn học đại học và bắt đầu bàn chuyện đi tới hôn nhân sau nhiều tháng hẹn hò.
Nhưng cô gái nói rằng không muốn đổi họ sau khi kết hôn, vì hội bạn thân thường gọi cô bằng biệt danh thân mật, biến tấu theo cách chơi chữ từ tên họ của cô. "Nhưng không phải phụ nữ thường đổi sang họ của chồng sao?", bạn trai của cô trả lời, dẫn đến một cuộc tranh cãi.
Vấn đề đổi họ sau hôn nhân khiến hai người nhiều lần bất đồng. Câu chuyện này trở nên thực tế hơn sau khi hai người cùng tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Tại nơi làm việc, người bạn trai nghe được câu chuyện về một đôi vợ chồng thay nhau đổi họ ba năm một lần. Anh này đã kể lại với bạn gái và hai người quyết định sẽ làm điều tương tự.

Cặp vợ chồng ly hôn ba năm một lần để chuyển họ tại Hachioji, Tokyo, ngày 11/10/2021. Ảnh: Mainichi.
Sau hôn lễ năm 2016, hai người thống nhất đổi theo họ của người chồng trong ba năm đầu. Trong thời gian này, người vợ định giữ họ gốc khi làm việc tại một công ty nước ngoài, song đã bị từ chối. Công ty yêu cầu cô phải dùng họ tên đúng trong giấy tờ tùy thân, do lo ngại về vấn đề an ninh.
Hết ba năm, đôi vợ chồng đệ đơn ly hôn và đăng ký kết hôn lại theo họ của người vợ. Anh chồng khi này cũng muốn giữ họ gốc tại nơi làm việc, song bị yêu cầu phải dùng đúng họ tên trong giấy tờ.
"Họ nói với tôi rằng đây không phải tên của tôi", người chồng nói.
Đôi vợ chồng này không muốn ly hôn, kể cả trên giấy tờ. Hai người từng đệ đơn kiến nghị lên tòa án gia đình, đề nghị hỗ trợ đổi họ tới hai lần trong cuộc hôn nhân "đầu", song đều bị bác bỏ.
Hai vợ chồng sau đó để ý tới một phán quyết của Tòa án Quận Tokyo về cuộc hôn nhân của đạo diễn Kazuhiro Soda, 52 tuổi, cùng vợ là Kiyoko Kashiwagi. Hai người kết hôn theo luật New York năm 1997 và vẫn giữ họ gốc.
Năm 2018, vợ chồng đạo diễn Soda gửi đơn đăng ký kết hôn với hai tên họ riêng biệt tới Văn phòng quận Chiyoda, Tokyo, song bị từ chối.

Cặp vợ chồng tại một phòng đăng ký kết hôn ở Nhật Bản. Ảnh: Motto-jp
Tòa án Quận Tokyo ra phán quyết hồi tháng 4/2021 rằng phương án phù hợp nhất để vợ chồng Soda được xác nhận tình trạng hôn nhân hợp pháp trong sổ hộ khẩu, trong đó hai vợ chồng không đổi sang cùng một họ, là kiến nghị lên tòa án gia đình. Tuy nhiên, Tòa án Quận Tokyo vẫn công nhận cuộc hôn nhân của hai người tại Nhật Bản.
"Có lẽ đây là lần đầu tiên cuộc hôn nhân giữa hai người có họ khác nhau ở nước ngoài được công nhận tại Nhật Bản", Hiroyuki Takeshita, luật sư của vợ chồng Soda, cho biết. "Thật khó hiểu khi kết hôn ở nước ngoài lại là cách duy nhất để một cặp vợ chồng có thể giữ họ của mình một cách hợp pháp".
Luật sư Tekeshita cho rằng mọi người nên có quyền lựa chọn họ của mình khi kết hôn. "Nếu ngày càng nhiều cặp vợ chồng chọn phương pháp ra nước ngoài để giữ họ khi kết hôn, sẽ gây ra tranh cãi về cách điền sổ hộ khẩu của họ", Tekeshita nhận định.

Đạo diễn Kazuhiro Soda (trái) và Kiyoko Kashiwagi tại cuộc họp báo trực tuyến sau khi Tòa án quận Tokyo ra phán quyết về tình trạng hôn nhân của họ vào ngày 21/4/2021. Ảnh: Mainichi.
Tờ Mainichi cho biết một phụ nữ khoảng 30 tuổi tại Tokyo đã quyết định ly hôn bạn đời vào năm 2021 rồi cùng nhau đến đảo Guam kết hôn lại nhằm giữ tên họ gốc.
Ra nước ngoài kết hôn cũng là phương án đang được đôi vợ chồng ở Hachioji cân nhắc. Tuy nhiên, hai người trước mắt vẫn tiếp tục quá trình ly hôn và đăng ký kết hôn lại vào tháng 7, để quay về sử dụng họ của người chồng. Cả hai đều mong ước mình có thể sống đúng với cái tên khi sinh ra.
Điều 750 của Luật Dân sự Nhật Bản quy định vợ chồng phải mang cùng họ sau khi kết hôn, đồng nghĩa một trong hai người phải đổi họ theo quy định của pháp luật, hầu như luôn là người vợ. Việc vợ chồng mang họ khác chỉ được cho phép trong trường hợp kết hôn với người khác quốc tịch.
Ngày càng nhiều người Nhật cho rằng quy định ra đời từ thời Minh Trị (1868-1912) này đã lỗi thời, không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 yêu cầu các cặp vợ chồng phải có cùng họ, trong khi các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc đều cho phép công dân sử dụng họ gốc khi kết hôn.
Đức Trung (Theo Mainichi/NHK)