Đó không phải là vết tích về cuộc sống nguyên thủy của người Arem thuở trước, mà là nơi ông Đinh Nê, 91 tuổi và vợ là bà Y Rú, 93 tuổi, đang sinh sống.
Mấy năm gần đây, cặp vợ chồng chủ yếu ở trong hang Chim, cách bản Tân Trạch, huyện Bố Trạch hai tiếng đi bộ. Bên ngoài, những dụng cụ săn bắt và hái lượm treo lủng lẳng trên vách đá. Đi sâu vào hang, ánh sáng le lói chiếu lên chiếc giường tre dựng trên cao, nơi hai ông bà nằm tránh thú dữ. Dưới cửa hang là những mảnh nương nhỏ, nơi họ trồng trọt thêm rau trái. Dòng suối róc rách chảy ngang tiện cho sinh hoạt hàng ngày.
"Tháng ba trời nắng ấm tôi sẽ về rừng", ông Đinh Nê nói bằng tiếng Arem khi đang cùng vợ ở trong ngôi nhà tại bản định cư Tân Trạch.

Ông Đinh Nê chỉ về phía những ngọn núi trong rừng Phong Nha, nơi sinh sống gần như trọn đời trong hang đá. Ảnh: Phan Dương
Vợ chồng ông Đinh Nê không nhớ chính xác người Arem đã sống ở trong hang từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi còn là một đứa trẻ đã thấy cha mẹ nuôi mình lớn lên ở đó. "Cứ thấy có bom đạn chiến tranh là người Arem bỏ chạy, trốn vào rừng sâu hơn", ông lão 91 tuổi nói.
Năm 1956, tộc người Arem được bộ đội biên phòng Quảng Bình phát hiện trong các hang đá vôi cheo leo, hiểm trở như hang Va, hang Bồng Cù, So Đũa ở huyện Bố Trạch. Họ sống kiểu nguyên thủy, mặc quần áo làm từ vỏ cây, săn bắt, hái lượm và ăn uống không qua đun nấu.
Khi chiến tranh kết thúc, nhà nước đưa họ về định cư tại bản làng. Tuy nhiên, thói quen sống gắn bó với rừng khiến người Arem khó thích nghi. Mỗi lần dịch bệnh hay có biến cố gì xảy ra, họ lại nghĩ "thần rừng nổi giận" nên bỏ bản mà đi. Phải đến 2004, họ mới bỏ hẳn được những cái hang sau khi được nhà nước xây cho một ngôi làng kiên cố.
Riêng ông Nê vẫn khó thích nghi nếp sống mới. Những năm còn sức khỏe, ông và vợ gần như không thể rời núi rừng, chỉ thỉnh thoảng về bản để lấy gạo và muối. Khi sức khỏe đã gần cạn, thời gian ở bản của họ mới dài hơn nhưng từ tháng 3 tới tháng 10 hàng năm lại đưa nhau vào hang, vài tuần mới về nhà một lần.
Trên rừng, họ dựng cả chục cái chòi dọc suối Rục Cà Ròong. Hàng ngày, ông Nê xuống suối bắt cá, bà Rú canh giữ mảnh nương khỏi lợn rừng phá hoại. "Trên rừng có cái ăn ngon, cá tôm chui ra, rau măng mọc nhiều. Ở nhà chỉ cơm với muối trộn ớt", bà Y Rú nói.
Cả đời sống với rừng nên ông bà thấy cuộc sống ở đó thoải mái và an toàn hơn. Họ biết nhiều loại cây cối chữa bệnh hoặc cây tinh bột ăn được. Ngoài dùng lưới, đơm, đó, họ còn dùng lá cây đò ho giã nhỏ, thả xuống suối cho cá ngấm độc nổi lên, chỉ việc vớt.

Ngôi nhà hang đá của vợ chồng ông Đinh Nê, cách bản định cư của người Arem chừng 2 tiếng đi bộ. Ảnh: Trần Hồng Hiếu - Báo Quảng Bình
Ông Đinh Nê vốn là em chồng bà Y Rú. Người mất vợ, người mất chồng từ nhiều năm trước. Theo phong tục "nối dây" ông bà về sống với nhau. Bà Y Rú cho biết mùa đông năm nay chân bà đau khó đi lại nhưng ngày nào ngủ dậy chồng cũng rủ về rừng.
"Ông ấy vẫn leo núi, vượt qua các dãy đá dựng nhanh đến mức thanh niên khó theo kịp", bà kể. "Ngày còn trẻ, ông ấy nổi tiếng khỏe vì gùi được 1,5 tạ gỗ".
Theo ông Nguyễn Văn Đại, bí thư xã Tân Trạch, những năm qua ông Nê làm nhà ở trong cả chục cái hang và lán dọc suối Rục Cà Roòng. Ban ngày ông ở dưới lán gần suối để kiếm ăn. Đêm xuống, khi mưa lũ hay lúc có nhiều thức ăn, ông mang về hang.
"Mấy năm trước chúng tôi phải cử thanh niên lên rừng tìm mới đưa được ông Nê về làm căn cước công dân", ông Đại nói.
Con trai ông Nê, anh Đinh Hòe cũng cho biết giờ sức khỏe bố mẹ giờ đã yếu nên con cháu không cho đi. Hồi tháng 7, ông bị sưng khớp, đắp lá rừng không đỡ. Mãi không thấy bố về, con cháu lên tìm rồi huy động người mang cáng khênh ông về.
Đi trạm xá về được mấy bữa, hai chân ông lại nhớ rừng. Đến tháng 9, nước lũ ở suối Rục Cà Roòng dâng lên sát chân núi, cô lập hoàn toàn hang đá nơi ông bà đang ở. Suốt mấy ngày liền, ông Nê chỉ biết ngồi trong hang, ăn sắn cầm cự.
"Khi đó, tôi cùng mấy người cháu của ông bà phải đội gạo lên đầu, bơi qua dòng suối chảy xiết để tiếp tế", Đinh Chai, phó chủ tịch xã Tân Trạch, người Arem đầu tiên có bằng đại học, kể.
Theo anh Chai, ông bà Đinh Nê có tình yêu mãnh liệt với núi rừng nhưng những người Arem khác cũng thích ở rừng. Mùa hè, các gia đình lại rủ nhau làm chòi ở rừng huê, khu vực họ từng ở trước đây. Bên dòng suối Rục Cà Roòng, họ thoải mái tắm giặt, bắt cá, lượm trái cây để ăn. Khi đêm xuống, nhà nhà quây quần bên đống lửa cạnh suối, uống rượu và hát ca.

Ông Đinh Nê và vợ Y Rú, trong ngôi nhà tái định cư ở bản Tân Trạch, huyện Bố Trạch tháng 12/2024. Ảnh: Phan Dương
Từ một tộc người với 18 nhân khẩu được phát hiện năm 1956, đến nay cộng đồng người Arem tại bản Tân Trạch đã phát triển thành 66 hộ với 188 nhân khẩu. Đường bê tông vào tận nhà, điện lưới và mạng Internet phủ sóng, cùng những công sở khang trang đã mang đến sự thay đổi lớn lao cho tộc người được "phát hiện muộn nhất Việt Nam".
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Đại, đời sống bà con vẫn còn rất khó khăn. Do nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nên đất sản xuất ít, lại không thể mở rộng. Bên cạnh đó, trồng trọt phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nông cụ thô sơ, nhiều thú rừng phá hoại nên hiệu quả kinh tế thấp.
Những năm qua, nhà nước và các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp dành nhiều quan tâm chăm lo đời sống bà con. Các hộ dân ở đây được tạo điều kiện bảo vệ rừng và được trả công trung bình 25 triệu đồng mỗi hộ một năm.
"Các khoản hỗ trợ cơ bản đủ trang trải 9-10 tháng trong năm, nhưng do nhận thức còn hạn chế, bà con chưa biết tiết kiệm, tính toán làm ăn nên vẫn đói", ông Đại nói. 80% hộ trong bản vẫn thuộc diện nghèo.
Dẫu cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng mái nhà, với ông Đinh Nê, rừng vẫn là tất cả. Trong ngôi nhà ở bản của họ, ngoài quần áo cũ là mấy chiếc nồi lạnh ngắt. Cạnh nồi cơm ăn dở là nồi măng được ông Nê đi lượm ngày hôm trước và nồi sắn cứng như đá, không biết luộc tự bao giờ.
"Mệ già rồi, chân đau không đi rừng được nữa. Còn ông ấy, chắc vẫn sẽ đi", bà Y Rú nhìn sang chồng chia sẻ.
Nhưng ông Nê thở dài nói các con không cho đi nữa. "Tôi sợ không có bạc cho chúng nếu chẳng may phải khiêng về", ông nói.
Huyện Bố Trạch, Quảng Bình hiện vẫn còn một số phòng học bằng ván gỗ, lắp ghép. Quỹ Hy vọng đặt mục tiêu xây mới những phòng học tạm nhằm tiếp thêm động lực cho học sinh ở vùng núi cao Bố Trạch có cơ hội cải thiện cuộc sống. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phan Dương