Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology hôm 7/10 hé lộ, sứa lược có thể hợp nhất với nhau khi bị thương, tạo thành một cá thể lớn với hệ thống thần kinh và dạ dày được kết hợp vĩnh viễn. Các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện điều này trong phòng thí nghiệm, khi đang thực hiện nghiên cứu định kỳ trên sứa lược Mnemiopsis leidyi, còn gọi là óc chó biển.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu phát hiện một đối tượng thí nghiệm biến mất khỏi bể. Sau đó, họ nhận thấy một trong những con sứa lược còn lại lớn bất thường. Khi kiểm tra kỹ hơn, họ nhận ra đó thực chất là hai cá thể ghép với nhau, không có sự tách biệt rõ ràng.
Nhóm nhà khoa học cho rằng đây là một sự thích nghi chưa từng được biết đến, xảy ra do cả hai con vật đều bị thương. Để chứng minh, họ thử tái tạo quá trình hợp nhất bằng cách cắt bỏ một số phần nhỏ trên cơ thể của 20 con sứa rồi ghép chúng lại gần nhau. Kết quả, 9 cặp đã hợp nhất thành công.
Những con sứa bị thương hợp nhất nhanh chóng, thường kết hợp hoàn toàn trong 24 giờ sau khi được ghép với nhau. Trong vòng hai giờ sau khi hợp nhất, hệ thần kinh của cặp sứa cũng đồng bộ hoàn toàn bằng cách phản ứng với những kích thích trên toàn bộ cơ thể chung. Sự kết hợp thần kinh nhanh chóng này nhiều khả năng xảy ra do các tế bào thần kinh độc đáo của sứa lược kết nối với nhau theo cách khác với những sinh vật khác.
Nhóm nghiên cứu cũng cho những con sứa lược đã hợp nhất ăn tôm huỳnh quang. Thức ăn từ một trong hai miệng của sứa di chuyển xuống qua cả hai dạ dày, cho thấy dạ dày của chúng cũng hợp nhất. Tuy nhiên, chúng vẫn có ADN riêng biệt và không thể truyền "hình thái độc đáo" của mình cho thế hệ tiếp theo.
Các chuyên gia cho rằng đây là trường hợp đầu tiên về sinh vật hợp nhất theo cách này. "Đến nay, chưa có báo cáo nào về kiểu hợp nhất này ở các loài vật khác", Kei Jokura, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Exeter, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trước đó, có thể hành vi hợp nhất của sứa lược không được chú ý vì cực kỳ hiếm gặp ngoài tự nhiên, Jokura nói thêm. Ông cho biết, những cá thể bị thương phải ở gần nhau thì mới có thể hợp nhất, và điều này ít xảy ra ở biển sâu. Sứa lược Mnemiopsis leidyi cũng có thể phục hồi sau chấn thương bằng cách tái tạo những bộ phận cơ thể bị mất và đảo ngược quá trình lão hóa, khiến việc hợp nhất với cá thể khác trở nên ít quan trọng.
Đa số các cặp hợp nhất vẫn sống sau ba tuần thí nghiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu phải kết thúc do thiếu kinh phí, dù Jokura cho rằng chúng có thể sống sót lâu hơn. Ông cũng đoán rằng nhiều hơn hai con sứa bị thương có thể hợp nhất, dù nhóm nghiên cứu chưa kiểm chứng được điều này.
Thu Thảo (Theo Live Science)