Bé Minh có biểu hiện bệnh đầu tiên: sốt cao 39 độ, ho, chảy nước mũi, nổi ban từ mặt sau đó lan khắp người... Con ho nhiều, khó thở, nôn, gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ba ngày sau đến lượt cậu em vào viện với tình trạng bệnh tương tự.
Phó Giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hai bé bị viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi, suy hô hấp. Đôi song sinh được điều trị tích cực, đổi thuốc kháng sinh... song tình trạng bệnh vẫn nguy kịch.
“Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa hai bé, tuy nhiên chưa thể nói trước được điều gì”, phó giáo sư Huy nói. Cả hai bé đều chưa được tiêm vắcxin phòng sởi.
Trong 7 tháng qua, khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 34 trẻ bệnh sởi. Hầu hết các bé dưới 5 tuổi, đều chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh. Lý do là đến tuổi tiêm thì trẻ ốm hoặc có trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm.
Phó giáo sư Huy khuyến cáo, chu kỳ cứ 3-5 năm có một đợt bùng phát dịch sởi nặng. Năm nay có thể phát sinh dịch sởi. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắcxin phòng sởi đúng lịch, đủ mũi. Trẻ mắc bệnh cần ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, không kiêng tắm, kiêng ăn.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp các biến chứng.
Dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.
Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng.
Cách tốt nhất là tiêm vắcxin phòng bệnh. Trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi một thì hiệu quả bảo vệ đạt 85%. Tiêm mũi hai (sởi - rubella) khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đến 95%. Tất cả trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.