Tỉnh giấc muộn sau một đêm thức khuya học bài, Thu Cúc và Thúy An vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi lại ngồi vào bàn học, tiếp tục giải bộ đề thi. Những ngày tháng 7, thời tiết Thanh Hóa nắng nóng đến 40 độ, cả hai gấp rút ôn luyện cho kỳ thi đại học cận kề.
Ở tuổi 18, Cúc và An đã ra dáng thiếu nữ. Cúc đeo kính, đầy đặn hơn, ra dáng làm chị nhưng hơi rụt rè, ít nói. An nhanh nhẹn, hoạt ngôn hơn, từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Vì vậy, Cúc chọn thi khối A1 vào trường đại học Tài chính. An thi khối D vào Học viện Báo chí vì thích làm phóng viên, ước được đi đến nhiều vùng đất mới. An và Cúc còn có một chị gái, nay 25 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội.
"Mình không biết được cảm giác dính liền nhau như thế nào vì khi ấy còn rất nhỏ, chắc là khủng khiếp lắm, nhưng mình biết ơn vì dù khó khăn thế nào thì bố mẹ vẫn luôn cố gắng để giữ và bảo vệ hai chị em được khỏe mạnh đến hôm nay", An chia sẻ.
Cúc tiếp lời em gái: "Kỳ thi đại học phía trước là cơ hội để cả hai đền đáp công ơn của bố mẹ suốt 18 năm vất vả nuôi cả hai khôn lớn, nên người".
Dính nhau
Đôi song sinh Lê Thu Cúc, Lê Thúy An chào đời ngày 6/12/2002 tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, dính nhau từ xương ức, chung khoang màng tim, chung lá gan, tá tràng và ruột non. Bà Trịnh Thị Bình, mẹ của hai bé, như chết lặng khi biết tin: "Nhớ lại cảm giác ngày hôm đấy, tôi vẫn sốc lắm, tưởng như không thể thở được, thương con mà bất lực".
Khi chào đời, hai bé nặng tổng cộng gần 3 kg. Cúc "nhỉnh" hơn nên làm chị. Hai bé chung nhau một đoạn ruột nên An cứ ăn vào là Cúc no. Bởi vậy, Cúc mải chơi, không chịu ăn song lại đầy đặn hơn em.
Khi hai bé được 3 ngày tuổi, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đến công tác tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, tình cờ gặp gỡ. Bác sĩ Liêm động viên gia đình chăm sóc hai bé thật tốt và hứa sẽ liên lạc lại. Trước đó, bác sĩ Liêm đã từng phẫu thuật tách một cặp song sinh dính nhau tại Nghệ An nhưng một thời gian sau mổ, một trong hai em đã mất.
Khoảng hai tháng sau, bác sĩ Liêm liên lạc bệnh viện Thanh Hóa đề nghị chuyển hai bé ra Hà Nội để phẫu thuật. Bác sĩ xác định, tỷ lệ thành công sau mổ tách là 50-50, có thể phải ưu tiên cơ hội sống cho một trong hai bé. Khoảng 50 y bác sĩ tham gia ca mổ tách. Tất cả ca mổ khác ở bệnh viện hôm đó phải tạm dừng để tập trung phẫu thuật cho An và Cúc.
Ca mổ tách kéo dài gần 10 giờ, các bộ phận như xương ức, gan, tá tràng, ruột non... được tách thành công cho hai cháu. Cúc - An được chăm sóc hậu phẫu, bắt đầu cuộc sống độc lập.
Cuộc sống sau tách rời
Sau khi tách rời Cúc, bé An bị tắc ruột, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật 3 lần sức khỏe mới ổn định. Hệ tiêu hóa của em yếu, hấp thụ kém và thường xuyên đau bụng hơn Cúc.
Nuôi nấng hai con lớn lên, người mẹ phải để ý đến từng chi tiết nhỏ, từ giấc ngủ cho đến tư thế nằm để con không bị vẹo cột sống. Cúc - An cũng phải đi lại, vận động nhẹ nhàng, nhất là trong tiết học thể dục. Trong thời gian đấy, khó khăn chất chồng khi bà Bình phát hiện bị suy thận, mỗi tuần ba lần đi viện để chạy thận. Từ 54 kg, bà gầy rộc chỉ còn 38 kg, phải nuôi con bằng sữa ngoài.
"Ngày đó, Cúc và An thường xuyên bị bạn bè trêu đùa là 'đồ mặt dài', nhiều người còn xì xào nói 'gia đình ăn ở không tốt nên quả báo', tôi buồn lắm. Tôi muốn dành thời gian bù đắp cho hai đứa con kém may mắn nhưng sức khỏe cùng kiệt", bà Bình nhớ lại.
Ban đầu, An hỏi mẹ lý do mình bị trêu chọc, về sau không còn quan tâm lời bình luận ác ý nữa. Hai chị em cố gắng học tập để chứng minh những nỗ lực của bản thân.
"Em luôn tự thấy mình may mắn vì sau phẫu thuật cả hai chị em vẫn được sống và sống khỏe mạnh. Tuy có thiệt thòi về ngoại hình nhưng chẳng đáng là gì với công lao nuôi dưỡng của bố mẹ, cố gắng tái sinh chúng em một lần nữa", An chia sẻ.
Cả hai kết thúc những năm trung học với học lực giỏi, đang cùng nhau chuẩn bị hành trang để bước vào đại học. Cúc - An hiện khỏe mạnh, cao gần 1,7m, trừ vết sẹo dài ở bụng ghi dấu ấn phẫu thuật, không ai nghĩ đây là cặp song sinh từng dính liền nhau nhiều bộ phận, khả năng sống chỉ 50%.
Hiện tại, bà Bình vẫn tiếp tục chạy thận tại bệnh viện ba lần một tuần. Ông Luân, bố của Cúc - An, làm việc tại công ty thuốc lá dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Cúc nói nếu đậu đại học sẽ đi làm thêm để bố mẹ đỡ vất vả, còn An muốn vào ký túc xá để không tốn quá nhiều chi phí ăn học, mẹ cũng yên tâm chữa bệnh.
Gập sách vở, Cúc và An cùng mẹ dọn cơm trưa. Bữa ăn bình dị nhưng đầy ắp tiếng cười. Người bố không quên hỏi thăm việc học của con gái. Người mẹ chuẩn bị nhiều hoa quả, sữa để các con học khuya không đói bụng.
"Khi theo dõi ca phẫu thuật của Diệu Nhi và Trúc Nhi hôm 15/7, ký ức 17 năm trước như hiện ra trước mắt. Bố mẹ của hai cháu Nhi chắc cũng giống như chúng tôi năm xưa, hồi hộp chờ đèn phòng tắt và vỡ òa khi biết ca mổ thành công. Tôi cầu mong các con sẽ bình an khôn lớn như Cúc, An của tôi bây giờ", bà Bình chia sẻ.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 11 ca phẫu thuật song sinh tách rời. Ca đầu tiên diễn ra vào ngày 4/10/1988, là cuộc đại phẫu Việt - Đức, tạo tiếng vang của ngành y học Việt Nam, ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Chỉ huy trưởng ca mổ khi ấy là giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, cùng 62 y, bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam và Nhật Bản.
Ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là một trên 200.000 ca sinh sống.
Thùy An