Cả hai bé gái này đều có các tế bào "tiền ung thư" trong tuỷ xương, nhưng chỉ một bé bị phát triển bệnh ung thư.
Khi tìm hiểu sự khác nhau giữa hai em, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện cần có thêm một đột biến gene thứ hai thì căn bệnh này mới phát tác.
Hai bé Olivia và Isabella. Ảnh: Times. |
Bệnh máu trắng (hay bệnh bạch cầu, ung thư máu) xảy ra khi một lượng lớn các tế bào bạch cầu chiếm chỗ trong tuỷ xương, khiến cho cơ thể không tạo ra đủ các tế bào hồng cầu bình thường. Căn bệnh chiếm một nửa trong số các trường hợp ung thư ở trẻ em.
Bé Olivia Murphy, từ Bromley ở Kentucky, Mỹ, đã phát triển bệnh bạch cầu cấp tính từ khi lên 2 tuổi, nhưng đến nay chị song sinh của bé, Isabella, vẫn khoẻ mạnh.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy cả hai em đều có các "tế bào gốc tiền bạch cầu" chứa một đột biến gene, hình thành khi sợi ADN bị bẻ gãy và nối lại ở một điểm khác. Các tế bào tiền bạch cầu này đã di chuyển từ bé nọ sang bé kia trong tử cung.
Tuy nhiên, căn bệnh chỉ xảy ra khi có thêm một đột biến gene khác xảy ra trong thời kỳ thơ ấu. Đột biến thứ hai này, có thể phát sinh do nhiễm trùng, xuất hiện ở Olivia nhưng không với Isabella.
Các bác sĩ đã kiểm tra Isabella thường xuyên để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư, song một khi cô bé đạt đến tuổi vị thành niên, người ta tin rằng các tế bào đột biến xấu đó sẽ biến mất.
Khoảng 1% dân số sinh ra đã mang trong mình các tế bào tiền bạch cầu. Trong đó, chỉ có 1% nhận được các "cú huých" thứ hai để dẫn đến ung thư.
"Giờ đây chúng ta đã nhận mặt được tế bào này, hy vọng chúng ta có thể tìm ra gót chân Achilles của nó để tấn công", trưởng nhóm nghiên cứu Tariq Enver, nói.
Hiện nay các cháu bé bị ung thư máu thường được chữa hoá trị rất nặng, đôi khi quá liều, gây ra tác dụng phụ lâu dài. Người ta hy vọng trong tương lai có thể kiểm tra xem khi nào các tế bào độc hại đã bị tiêu diệt để chấm dứt sớm liệu trình, nhằm tránh tác hại do việc dùng thuốc quá mạnh và quá lâu gây nên.
T. An (theo BBC)