Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết sự cố xảy ra sáng 21/1 (30 Tết). Theo thông báo từ đơn vị quản lý tuyến APG, vấn đề nằm ở nhánh S9, cách bờ 151 km, gây ảnh hưởng đến kết nối trên toàn tuyến. Hiện chưa rõ thời gian xử lý.
Trước đó, hôm 26/12/2022, APG cũng gặp gián đoạn trên nhánh S6 gần Hong Kong, cùng hai tuyến cáp khác là AAG và AAE-1. Đến nay, cả APG và AAG đều chưa khắc phục xong.
Vấn đề cùng xảy ra trên các tuyến cáp quang biển có thể khiến việc truy cập Internet của người dùng Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đã quen ứng phó với tình trạng này nên việc kết nối chập chờn có thể chỉ xảy ra ở một vài thời điểm nhất định và mang tính cục bộ.
"Họ sẽ từng bước bổ sung dung lượng qua các hướng cáp biển còn lại và hướng cáp đất liền", đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đánh giá trong sự cố trước đó.
Với Internet trong nước, sự cố cáp quang biển không gây ảnh hưởng nhiều. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng Internet được dự báo tăng cao. Các nhà mạng khẳng định đã có biện pháp tăng cường dung lượng và băng thông cho người dùng. Viettel cho biết sẽ tập trung toàn bộ tài nguyên cho mạng 4G để đáp ứng lưu lượng data tốt hơn. Nhà mạng này bổ sung 7.500 trạm 4G được phát sóng mới, nâng cấp gần 15.000 trạm phát sóng, bổ sung dung lượng phục vụ tăng 20% so với ngày thường. FPT Telecom cũng nâng băng thông miễn phí cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang, với băng thông thấp nhất 150 Mbps.
APG là một trong những tuyến cáp quan trọng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Tuyến được đưa vào vận hành từ cuối 2016, với chiều dài khoảng 10.400 km, cung cấp băng thông tối đa 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Gián đoạn xảy ra ngày 21/1 là sự cố đầu tiên với APG năm nay. Còn năm 2022, tuyến cáp này có bốn lần gặp trục trặc, trong đó sự cố cuối tháng 12 chưa được khắc phục xong.
Lưu Quý