Phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tại Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội ngày 4/9, đại biểu Bùi Thị An nêu quan điểm cần coi đây là khung của nhiều luật khác như luật quy hoạch, kiến trúc, giao thông, môi trường, thủy lợi…Mục tiêu của dự luật vì thế nên đề cập bao trùm hơn, khắc phục những bất cập của Luật Xây dựng 2003 và “hy vọng 20 năm mới phải sửa chứ không chỉ 10 năm”.
Từng là đại biểu HĐND Hà Nội, nhiều năm tiếp cận với các bất cập của thủ đô, bà góp ý nhiều vấn đề cụ thể như việc công bố quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng, nghịch lý “cả tòa nhà cao tầng đồ sộ giữa phố xây vượt tầng, vượt phép thì không ai hay”.
Để ngăn chặn những hoạt động làm xấu bộ mặt đô thị, bà đề nghị cần hồi tố, đưa ra tòa người phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng sai dù người đó đã về hưu. “Làm sai thì phải vào tù nếu không ai chịu trách nhiệm. Thành phố thì chắp vá, không bao giờ đẹp được”, bà An góp ý.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, bà đề nghị ban soạn thảo dự án luật có định hướng tăng quỹ nhà cho thuê bởi các nước phát triển như Singapore gần 80% người dân vẫn thuê nhà.
Cũng liên quan tới vấn đề quy hoạch, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, những bất cập ở lĩnh vực này thời gian vừa qua đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đơn cử như việc 50% diện tích các khu công nghiệp bị bỏ không. Hay như với quy hoạch chung xây dựng thủ đô vốn đã có từ lâu nhưng nhiều quy hoạch phân khu, chức năng vẫn không có. “Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc vẫn bỏ không rất nhiều, ĐH Quốc gia cũng chưa biết bao giờ mới xong. Hiệu quả đầu tư theo đó rất thấp, gây lãng phí lớn”, đại biểu Tiến nêu thực trạng và đề nghị có hạn định thời gian thực hiện quy hoạch cụ thể.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Lê Bộ Lĩnh cho rằng đã quy hoạch thì trong một thời hạn nhất định phải lập các dự án và xây dựng chứ không thể lập “đến 30 năm vẫn giữ để đấy”. Nêu kinh nghiệm từ tổ chức nước ngoài, ông Lĩnh cho hay, khi đưa ra đồ án thì trên thực tế đã phải bán được quy hoạch rồi. “Bán từng ô, lô và buộc xây dựng, triển khai ngay nếu không phạt nặng. Chế tài này cần được chú ý làm rõ”, ông Lĩnh góp ý.
Nêu thực trạng về cơ chế “thoáng” thời gian qua, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng cho rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã phát triển bùng nổ, khiến nhà nước không quản lý, thẩm tra được năng lực. “Nên để ngành nghề xây dựng là có điều kiện, cần có tổ chức kiểm định, việc này sẽ giúp hạn chế các tổ chức hoạt động rất lộn xộn hiện nay”, ông Hùng nói.
Trong phiên thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể nhiều vấn đề khác như trách nhiệm phê duyệt tổng mức đầu tư để tránh “đội” kinh phí; tránh hình thức trong thủ tục nghiệm thu; ngăn chặn việc sao chép các báo cáo tư vấn...
Với 10 chương, 150 điều, dự thảo luật tăng 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng 2003. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án luật theo hướng quản chặt hơn vốn ngân sách, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.
Nguyễn Hưng