Hai chữ “tâm tư” của người đứng đầu bộ Tư pháp trong câu này, dường như gián tiếp phản ánh một thực trạng xã hội: vẫn có khoảng mờ giữa cái gọi là “được pháp luật cho phép” và “luật không cấm”. Không cấm vẫn chưa có nghĩa là được cho phép. Nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền lại thành một thứ “tâm tư” của Bộ trưởng.
Khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn đăng tải danh sách 300 ca khúc được phổ biến rộng rãi, người ta thấy xuất hiện cả “Tiến quân ca” - ca khúc mà theo điều 13 Hiến pháp, là Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam.
Việc “cho phép” lưu truyền ca khúc này, chưa bàn về khía cạnh pháp lý, gây ra khá nhiều bức bối trong cộng đồng. Người ta đặt ra câu hỏi rằng tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại không thể chỉ có một danh sách “cấm” (với những thứ mà họ cho là không thể được biểu diễn, lưu hành) - và đương nhiên người dân được lưu truyền, biểu diễn những ca khúc còn lại. Tại sao phải lập nên một danh sách “được phép”, để rồi liên tục khiến dư luận ngã ngửa?
Trong danh sách ca khúc mới được cấp phép phổ biến này, còn có những cái tên như là Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao)...
Ở một làng quê nọ, tôi gặp một người đàn ông đang phủ những mảnh trai lên một chiếc hộp. Không phải là sản phẩm mỹ nghệ công phu gì, chỉ là hàng bình dân. Những người xung quanh anh phủ keo lên toàn bộ chiếc hộp, đồng loạt dán mảnh trai lên. Họ sau đó chỉ chỉnh lại những chỗ chưa khớp. Mỗi ngày, họ dán được chục chiếc hộp như thế.
Người đàn ông kia, anh phủ keo từng vị trí, chậm rãi nhặt từng mảnh trai bên cạnh, đặt vào đúng vị trí, nắn chỉnh xong, lại nhặt một mảnh khác. Cứ thế, mỗi ngày, anh dán được nửa chiếc hộp. Anh nắn chỉnh từng mảnh rất lâu, như một tác phẩm sơn mài đỉnh cao. Nhưng thực ra, tiền công của anh cho mỗi chiếc hộp là mười hai nghìn đồng. Anh kiếm được sáu nghìn đồng mỗi ngày, và có ba đứa con nhỏ.
Đó không phải là một câu chuyện ngụ ngôn, mà là hoạt cảnh có thật. Nhưng nhân vật ấy là một nạn nhân chất độc da cam ở Ứng Hòa, Hà Nội. Anh suy nghĩ chậm hơn người khỏe mạnh và cần sự giúp đỡ của xã hội.
Không thể “nhặt” từng thành tố li ti của xã hội ra, để tìm cách đặt chúng vào đúng vị trí theo kiểu như vậy, trừ trong một số lĩnh vực đặc biệt như quốc phòng. Bởi vì xã hội - cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật - vận động theo hướng đi lên nhờ vào sự tự phát. Người ta chỉ chỉnh những chỗ họ cho là sai, vốn là thiểu số, chứ không thể lựa chọn từng chỗ mà họ cho là “đúng”, vốn là một con số khổng lồ.
Cái “khoảng mờ” này không chỉ tồn tại trong lĩnh vực biểu diễn. Chúng là chủ đề thường xuyên tranh cãi trong kinh doanh, nơi mà việc kinh doanh không phép sẽ đưa người ta đến một phiên tòa hình sự chứ không phải là một án phạt hành chính. “Người dân có được làm những gì luật không cấm?” trở thành một câu hỏi văng vẳng ở các phiên tòa, ở diễn đàn quốc hội, và trong tâm tư của cả Bộ trưởng Tư pháp.
Chuyện cấp phép hay không cho một ca khúc thực ra là chuyện nhỏ; cái lớn là thứ tâm lý muốn quản mọi thứ của các cơ quan công quyền. Người dân chỉ nên làm những gì được “cho phép”. Một đoàn từ thiện bị chặn lại ở trước vùng lũ lụt vì câu “chưa được phép”. Một người dân bị ngăn quay phim công an làm nhiệm vụ vì “chưa được phép” (thậm chí Cục cảnh sát giao thông từng có cả văn bản quy định thứ luật lệ này). Một vài bạn trẻ ôm guitar ngồi ở Bờ Hồ cũng có thể bị giải tán vì chẳng ai cho phép. Thứ tâm lý này tạo ra sự lạm quyền, hình thành một trở lực khủng khiếp với các hoạt động xã hội.
Sẽ thật khó khăn để giải thích với các cụ tổ hưu, rằng mấy bài chèo mừng đất nước mừng mùa xuân các cụ chuẩn bị cho hội diễn quận sắp tới, thật ra chưa hề được cấp phép biểu diễn. Các cụ hát, có thể xem là vi phạm Nghị định 79/2012.
Đức Hoàng