Cháu gái của bà Cui, ở Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, cho biết ông bà mình bị nghiện điện thoại. Họ mở mắt ra là cầm điện thoại, nhìn màn hình suốt từ sáng đến khuya. Người ông còn nhiều lần xem đến rạng sáng. Gia đình khuyên bảo nhưng không có kết quả.
Khi đi kiểm tra mắt, kết quả cho thấy ông bị loạn thị 3 độ. Đây là mức độ được đánh giá nặng, khiến thị lực bị ảnh hưởng rất nhiều. Tình trạng của bà còn nghiêm trọng hơn. Mắt trái bị cận 23 độ, máy đo cũng không cho ra kết quả.
"Từ khi đại dịch xảy ra đến nay, suốt ngày bà dán mắt vào màn hình. Thị lực ngày càng tệ", cô nói.

Bà Cui bị cận tới 23 độ. Ảnh: World Journal
Bác sĩ Phó Ánh Huy, Trưởng khoa Cận thị cao độ, Bệnh viện Mắt Chiết Giang giải thích cận thị trên 6 độ được coi là cao, trên 10 độ là siêu cao. "Cận trên 20 độ không thể đo bằng máy thông thường mà cần bác sĩ tính toán dựa trên trục nhãn cầu và kinh nghiệm", bác sĩ nói.
Giáo sư Trạch Trường Bân, Giám đốc Trung tâm khúc xạ của Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh cho biết trường hợp cận thị 23 độ thuộc nhóm cực cao, thường là bệnh lý và dùng điện thoại quá nhiều là một trong các tác nhân gia tăng. Trường hợp bà Cui trên là một ca phức tạp trong nhãn khoa và cần đến các chuyên khoa sâu về đáy mắt để kiểm tra võng mạc, đánh giá chức năng mắt và có phương án điều trị phù hợp.
Việc người cao tuổi trở thành người nghiện điện thoại, Internet nặng có thể xuất phát từ cảm giác cô đơn hoặc do sự tò mò, muốn khám phá những điều mới mẻ. Thời gian rảnh rỗi nhiều cũng khiến họ dễ rơi vào trạng thái nghiện và khó dứt ra.
Bảo Nhiên (Theo World Journal)