Luật sư tư vấn
Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định, một người chỉ được làm con nuôi của người độc thân, hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Theo đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được quyền nhận nuôi con nuôi phải là cá nhân đang độc thân, hoặc cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp (đã kết hôn theo quy định pháp luật).
Trong trường hợp của bạn, mặc dù pháp luật Việt Nam không cấm những người đồng tính sống chung, song cũng chưa có bất kỳ quy định nào công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là hợp pháp. Do vậy, về mặt pháp lý các bạn vẫn chưa là vợ chồng cho nên không đáp ứng điều kiện để được nhận con nuôi.
Tuy nhiên, một trong hai bạn có thể làm thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp là người độc thân.
Lúc này, người nhận nuôi phải đáp ứng đầy đủ các các yêu cầu theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi, gồm: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt; không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi (chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em...).
Theo Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, bạn có thể liên hệ các cơ sở nuôi dưỡng như cô nhi viện, trại trẻ mồ côi, trẻ em đang sống tại các gia đình có cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ có nhu cầu cho con nuôi.
Nếu chưa tìm được trẻ để nhận làm con nuôi, bạn có thể đăng ký với Sở Tư pháp thành phố. Khi có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi, Sở sẽ giới thiệu đến UBND nơi trẻ đó thường trú để xem xét, giải quyết...
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha