Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường điện 22kV dự kiến 12,4 km đi qua xã Canh Hiệp và Canh Liên, trong đó đi qua rừng tự nhiên hơn 3,8 km. Tổng kinh phí thực hiện 14,8 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng công trình, dự kiến hoàn thành tháng 11 năm nay.
Công ty Điện lực Bình Định đăng ký kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2025 với Tổng Công ty Điện lực miền Trung và đã được chấp thuận phân bổ nguồn vốn, triển khai phương án thiết kế, thi công, đảm bảo hoàn thành đóng điện công trình trước ngày 1/5/2025.
Làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh có hơn 160 hộ với hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số như Ba na, Chăm, Tày. Đây cũng là một trong số ít làng trên địa bàn tỉnh chưa có lưới điện quốc gia, nên đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế nhiều khó khăn.
Muốn tới làng Canh Tiến phải đi qua hai con đường: đi đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam hoặc đi đò ngang từ Hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn mới có thể vào làng. Ngôi làng nằm ẩn khuất bị bao bọc bởi núi, rừng, nước của Hồ Núi Một rộng lớn. Không có đường giao thông vào làng, địa hình, phương tiện đi lại khó khăn, sóng điện thoại tại đây lúc có lúc không khiến cho ngôi làng như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, nương rẫy, lấy mật ong, bẻ lá nón, lượm dầu rái, trồng lúa đều nhờ nước trời vì không có hệ thống tưới tiêu đồng ruộng như người dân vùng đồng bằng, mỗi năm họ chỉ làm một vụ.
Thế Đan