Chiều 28/6, Tiến sĩ Văn Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho hay Viện đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đăk Nông 10 nghìn liều vaccine Td, 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn.
Viện cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đắk Nông nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.
CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần mỗi ngày.
Người dân trong độ tuổi 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch đều được tiêm chủng bổ sung vaccine Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván.
Từ 19h ngày 19/6, ổ dịch tại xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong đã được khoanh vùng cách ly. Sau 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21/6, tới nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.
Hôm nay, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tới điểm tiêm chủng tại thôn 6 (đội 2) xã Quảng Hoà. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người H’mông chiếm 99%, hộ nghèo chiếm 96%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vaccine TD trong đợt này là 274 người.
Tại gia đình bé gái 9 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu trong đợt dịch này, bố bé gái cho biết con mình có được tiêm vaccine, nhưng không được tiêm đầy đủ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ mất mát với gia đình và căn dặn cần cho tất cả những người trong gia đình thuộc diện tiêm bổ sung vaccine TD đi tiêm, cho các con tiêm đầy đủ các loại vaccine đúng lịch, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại nơi ở và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
"Không được để dịch bạch hầu bùng phát trở lại", Thứ trưởng nói.
Từ đầu tháng 6 đến nay, 12 ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hoà và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. Một ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hoà. Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông.