-
21h00
Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm tra an toàn đê điều
Trong văn bản chỉ đạo tối 12/9, UBND TP Hà Nội đánh giá tình hình mưa lũ trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp. Mực nước các sông Hồng, Đuống, Đáy trên báo động hai và đang ở mức cao; sông Tích, Bùi, Cầu và Cà Lồ trên báo động ba.
Thành phố đề nghị quận, huyện, thị xã nghiêm túc tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm "4 tại chỗ"; rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, sổ sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác.
Các đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ theo quy định của pháp luật.
-
17h20
Xe chuyên dụng của quân đội tiếp tục sơ tán người dân Sóc Sơn
Người dân thôn An Lạc, xã Trung Giã tiếp tục được sơ tán bằng xe chuyên dụng của Lữ đoàn 971, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. 4 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân di tản từ vùng lũ đến nơi tập trung tại trường học xã Trung Giã.
Đến 16h30, nhiều khu dân cư thấp trũng ở thôn An Lạc còn ngập sâu 3-5 m. Nước lũ đã chững lại, nhưng để đảm bảo an toàn, người dân được yêu cầu sơ tán ra bên ngoài.
-
17h00
Làng gốm Bát Tràng chìm trong biển nước
Nằm ven sông Hồng, làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm chìm trong biển nước. Ngôi làng được lập từ thời Lý năm 1010 bị ngập từ hôm qua, nơi sâu nhất khoảng 2 m.
-
16h00
Lập điểm hỗ trợ lương thực cho người dân Ba Đình bị ngập
Chính quyền và các đơn vị phường Phúc Xá ngày 12/9 đã thiết lập điểm hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng bị ngập nước tại khu vực cửa khẩu Tân Ấp. Người dân sẽ được nhận bánh mì, bánh chưng, sữa, nước uống tại ba khung giờ 7-9h; 11-14h và 17-19h.
Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Ba Đình bố trí đã bố trí hai điểm cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn. Một xe téc được đặt tại phố Hồng Hà và một họng nước lắp đặt tại số 123 phố An Xá.
Đến nay, quận Ba Đình đã sơ tán gần 400 hộ dân với khoảng 1.300 người đến các khu vực an toàn. Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận (số 67 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch), chính quyền bố trí nơi ăn ở cho 53 người dân, trong đó có cả người sinh sống tại các quận lân cận. Những trường hợp không kịp mang quần áo, quận cũng đã kịp thời hỗ trợ.
-
15h20
Ba ngày ăn cơm từ thiện
15h20, chị Nguyễn Thị Nguyệt, 35 tuổi, thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn cùng hai con trai chèo thuyền đi sơ tán. Họ nhờ xe cứu hộ đưa sang nhà người quen ở xã Hùng Sơn, nơi không bị ngập.
Ba ngày qua, gia đình chị sống nhờ vào những suất cơm từ các nhóm thiện nguyện và bộ đội, công an. "Nhà có bếp gas nhưng đồ ăn, nước uống thiếu, may mà có các anh chị hỗ trợ", chị Nguyệt nói.
-
15h00
Lặn xuống nước để vá mạch rò trên đê
Mưa lớn kéo dài khiến đê bao Gò Khoăm, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ xuất hiện vết nứt dài khoảng 100 m. Ngay trong đêm 11/9, lực lượng chức năng của huyện đã khẩn trương khắc phục. Anh Lưu Công Chung, công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ, đã không quản hiểm nguy, lặn xuống lòng đê vá kín vết nứt bằng bạt dứa và bao cát. Nhờ đó, mạch rò được xử lý dứt điểm.
Huyện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 11 xuồng máy, máy đẩy các loại, 4 bè cứu sinh, 115 nhà bạt, nhà dù các loại, 135 phao tròn cứu sinh, 815 áo cứu sinh để hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đến nay, huyện Chương Mỹ có hơn 2.300 hộ với 10.700 nhân khẩu bị ảnh hưởng do mưa lũ.
-
14h45
1.000 người được huy động xử lý sự cố tràn đê tại Thanh Trì
UBND huyện Thanh Trì cho biết nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm qua xã Đại Áng. Xã đã huy động trên 1.000 người xử lý khẩn cấp, gia cố điểm sạt lở. Nước sông Hồng dâng cao, 40% khu dân cư, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng bãi bị ngập.
Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc để đảm bảo an toàn. Cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy tham gia đưa người dân di chuyển khỏi nơi ngập úng.
Theo thống kê sơ bộ, UBND các xã vùng bãi Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ đã di chuyển 3.000 hộ dân với 8.000 người vùng bị ngập đến nơi ở an toàn, di chuyển 8.400 gia súc, gia cầm.
-
14h40
Hàng trăm người được sơ tán khỏi thôn lũ An Lạc
Công an, quân đội, tình nguyện viên tiếp tục sơ tán hàng trăm người dân khỏi rốn lũ An Lạc và Hòa Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn. Nhiều người tranh thủ mang theo tài sản của gia đình. Họ được đưa về trường học ở nơi cao ráo trú tránh.
Chị Dương Thị Thuyết, 36 tuổi, thôn An Lạc, bế con một tháng tuổi được hỗ trợ vận chuyển bằng thuyền và đưa lên nhà trẻ Trung Giã cao ráo hơn. Ba ngày nay, nhà chị bị nước ngập nửa nhà, đồ ăn thức uống đã cạn kiệt.
-
14h10
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập sâu nhất một mét
Điểm ngập trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài gần 400 m, thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, cách trạm thu phí 3 km. Nước ngập sâu nhất một mét, xe con, xe tải nhỏ bị hạn chế qua đoạn đường này. Cảnh sát giao thông phân luồng phương tiện từ xa để đảm bảo an toàn. Tại điểm ngập, xe dồn lại đi vào hai làn trong nơi có mực nước thấp hơn.
Buổi chiều, lượng phương tiện tăng lên phía trước điểm ngập khiến hướng về Hà Nội ùn tắc dài khoảng một km. Điểm này bắt đầu ngập từ sáng 10/9, do nước từ đồng ruộng tràn lên, hiện chưa có dấu hiệu rút.
-
14h05
Chèo xuồng kêu gọi người dân sơ tán khỏi vùng lũ
Cả hai thôn Hòa Bình và An Lạc ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn vẫn chìm trong biển nước. Nhiều nhà ngập sâu đến hơn 2 m, qua mái nhà. Phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Hiện thôn đã bị cắt điện, nước.
Nhiều hộ dân nuôi bò phải đưa lên hiên nhà tránh lũ, nhưng do nước từ sông Cầu vẫn đang lên cao, phải dắt bò lội lũ ra gầm chui cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trú tạm. Gà, chó mèo được đưa lên mái nhà hoặc kê ván trú tránh.
Đến 14h, lực lượng chức năng vẫn đang chèo xuồng đến từng ngõ, kêu gọi người dân sơ tán ra bên ngoài. Học sinh đã phải nghỉ học ba hôm nay. Nhà chức trách nhiều lần vận động song một số người dân không đồng ý di dời vì muốn ở lại "trông nhà, giữ của".